Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), ngay từ những ngày đầu triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, Tổng cục Hải quan đã tích cực tham gia. Cụ thể, tháng 12/2019, Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để tích hợp, kiểm thử và cung cấp 2 DVCTT đầu tiên là “Hủy tờ khai hải quan” và “khai bổ sung tờ khai hải quan” lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến tháng 3/2020, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan Hà Nội) và đại diện Tổng công ty May 10 (đơn vị nộp hồ sơ) để giới thiệu các bước thực hiện DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục “Khai bổ sung hồ sơ hải quan”. Thủ tục này được thực hiện theo các quy định hiện hành, gồm 5 bước hoàn toàn trên hệ thống, không có giấy tờ.
Theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm 2020, trong năm nay ngành Hải quan phải kết nối 60 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với kế hoạch này, hết quý II, ngành Hải quan hoàn thành kết nối 6 DVCTT, quý III kết nối 18 DVCTT và quý IV sẽ kết nối 36 DVCTT.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính (tại thông báo số 482/TB-BTC ngày 21/7/2020) về việc thực hiện cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng, vận hành, cung cấp DVCTT ngành Tài chính, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với mục tiêu hoàn thành tích hợp 30% DVCTT (trong đó số lượng kết nối của Tổng cục Hải quan nâng lên 70 DVCTT), Tổng cục Hải quan đã tích cực rà soát, đánh giá tổng thể về cung cấp DVCTT của Ngành và xác định danh sách các dịch vụ phù hợp để tích hợp lên Cổng.
Với sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài Chính và sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ, đến ngày 10/9/2020, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp và cung cấp 70 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua đó nâng số DVCTT trong lĩnh vực Hải quan được cung cấp trên Cổng lên con số 72 dịch vụ.
Chia sẻ về lợi ích của kết nối DVCTT, lãnh đạo Cục CNTT và Thống kê hải quan cho biết: Về mặt bản chất, DVCTT luôn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đó là, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi phương tiện; giảm chi phí do không phải sử dụng hồ sơ giấy, giảm thời gian đi lại do không phải đến thực hiện trực tiếp tại cơ quan Hải quan; nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, kết nối DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thêm phương án thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, ngoài việc thực hiện qua Hệ thống DVCTT của ngành Hải quan như hiện nay.
Đặc biệt, việc tích hợp DVCTT của ngành Hải quan lên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ giúp người dân thực hiện được đồng thời nhiều thủ tục chỉ thông qua một đấu mối. Bởi, trước đây, doanh nghiệp thực hiện DVCTT của ngành Hải quan sẽ vào hệ thống của cơ quan Hải quan, sau đó muốn thực hiện tiếp DVCTT ở lĩnh vực khác lại phải đăng nhập vào từng hệ thống của cơ quan quản lý đó…
Tính đến hết tháng 8/2020, ngành Hải quan đã cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 cho 190 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan, chiếm 84% tổng số thủ tục hành chính do ngành Hải quan thực hiện. Trong đó có 184 thủ tục đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 81%). Thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và mở rộng cung cấp DVCTT đối với các thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện được sửa đổi, bổ sung và công bố mới. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan hiện nay đang được ngành Hải quan cung cấp DVCTT trên các hệ thống gồm: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống dịch vụ công trực tuyến HQ36a; Cổng thanh toán điện tử; Cổng thông tin một cửa quốc gia. |