Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Website của Bkav bị lỗi hack nghiêm trọng
Các tờ báo điện tử VietnamPlus , Ictpress đưa tin- Trong ngày 02/02, hacker đã tấn công thành công vào máy chủ của Bkav và tải lên file có tên hacked.html với nội dụng ngắn gọn "hacked" (đã bị hack). Cho đến rạng sáng nay (3/2), file do hacker tải lên vẫn tồn tại trên máy chủ của Bkav. Hiện tại, Bkav đã đóng cửa website Webscan với thông báo đang bảo trì và mời người sử dụng quay trở lại sau.Trong giới bảo mật, đây là lỗi được đánh giá ở mức nghiêm trọng bởi có khả năng bị hacker khai thác để tiếp tục tấn công leo thang với cấp độ nguy hiểm cao hơn, thậm chí có thể ở mức cao nhất là chiếm quyền điều khiển máy chủ.
Đến tối ngày 06/02, Bkav cho biết công ty này đã phối hợp điều tra cùng Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) xác định được thủ phạm tấn công vào Website nhánh Webscan của Bkav. Theo kết quả điều tra, thủ phạm là nhân viên bảo mật của một công ty CNTT tại Hà Nội. Cơ quan điều tra đã xác định cuộc tấn công được thực hiện từ nhà riêng của đối tượng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, với phương tiện được sử dụng gồm 2 máy tính xách tay hiện đã bị niêm phong phục vụ cho công tác điều tra.Tại trụ sở C50, đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm và cơ quan công an cũng đang tiếp tục điều tra những đối tượng liên quan đến vụ tấn công.
Thúc đẩy hợp tác CNTT giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Theo laodong , vietnamnet đưa tin- Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Cục An ninh thông tin và Internet Hàn Quốc (KISA) vừa ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác” (MOU) nhằm tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.Với việc ký biên bản hợp tác, VINASA và KISA nhắm đến thúc đẩy sự hợp tác trong 4 lĩnh vực bao gồm chia sẻ, trao đổi về chính sách phát triển dịch vụ CNTT của mỗi nước; Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Hàn Quốc; Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực CNTT đặc biệt về an ninh thông tin; Phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển CNTT.
Bên cạnh đó, Biên bản này sẽ giúp các doanh nghiệp 2 nước thuận lợi hơn trong việc hợp tác tiếp cận và xâm nhập chéo vào thị trường của nhau. Trong thời gian tới, KISA sẽ nỗ lực để hỗ trợ hết sức mình cho việc hợp tác giao lưu giữa các doanh nghiệp IT của chúng tôi với các doanh nghiệp của Việt Nam”.
Tháng 1/2012: Điện thoại phát triển mới chưa tới 1 triệu thuê bao
Tin từ Vnmedia - Tổng cục Thống kê công bố, số thuê bao điện thoại phát triển mới tháng 01/2012 ước tính đạt 832,2 nghìn thuê bao, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 2,2 nghìn thuê bao cố định, giảm 88% và 830 nghìn thuê bao di động, tăng 18,1%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 01/2012 ước tính đạt 134 triệu thuê bao, tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm: 15,5 triệu thuê bao cố định, xấp xỉ cùng thời điểm năm 2011 và 118,5 triệu thuê bao di động, tăng 4,5%. Số thuê bao Internet băng rộng cả nước tính đến cuối tháng 01/2012 ước tính đạt 4,3 triệu thuê bao, tăng 18,7% so với cùng thời điểm năm trước. Số người sử dụng Internet tại thời điểm cuối tháng 1/2012 ước tính đạt 33,4 triệu người, tăng 22,6% so với cùng thời điểm năm 2011. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông tháng 1/2012 ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng thời điểm những năm trước đây, có thể nói, lượng thuê bao phát triển mới như vậy không có đột biến, thậm chí không đạt “phong độ” tăng trưởng kỷ lục. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì là lạ khi trong vòng một năm trở lại đây, thị trường di động Việt đã được nhận định là bắt đầu vào giai đoạn bão hòa.
S-Fone muốn “khai tử” CDMA chuyển sang 3G
Theo ICTnews - SPT đang muốn khai tử công nghệ CDMA của mạng S-Fone để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) mà các mạng di động lớn của Việt Nam đang sử dụng nhằm cứu vãn tình thế vô cùng khó khăn của mạng này.Cuối năm 2011, trong những dự báo về xu hướng ICT năm 2012, Câu lạc bộ Nhà báo ICT đã đưa ra nhận định “Số phận của S-Fone sẽ được quyết định trong năm 2012” bởi mạng này không thể giữ nguyên hiện trạng "ngắc ngoải". Mới đây, có thông tin cho rằng SPT đã xác lập một kế hoạch mang tính cách mạng là “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 800 MHz. Báo BĐVN đã liên hệ với bà Trần Thị Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT của SPT nhằm tìm hiểu thông tin trên. Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Bình cho biết là chưa thể cung cấp bất cứ thông tin gì xung quanh vấn đề này.Trả lời báo BĐVN hồi năm ngoái về vấn đề liệu S-Fone có chuyển đổi công nghệ hay không? Ông Tôn Minh Thông, Phó Tổng giám đốc SPT cho biết, nếu S-Fone tìm được đối tác đầu tư thì việc chuyển đổi công nghệ có thể xảy ra khi đối tác có tiềm lực và thấy cần thiết phải thay đổi công nghệ.
Giới chuyên môn cho rằng, việc S-Fone thay máu công nghệ từ CDMA sang HSPA giống như mạng 3G mà Viettel, VinaPhone và MobiFone đang cung cấp không phải là giải quyết bài toán nâng cấp hệ thống mạng của mình. Trên thực tế, vài năm trước S-Fone đã dùng công nghệ CDMA 2000 1X EVDO để tiến lên 3G trên nền tảng mạng CDMA hiện tại. Thậm chí, thời điểm S-Fone tuyên bố đã phủ sóng 3G trước thời gian khá xa khi mà Bộ TT&TT chưa thi tuyển 3G. Như vậy, việc thay máu công nghệ cho mạng S-Fone là giải quyết vấn đề khó khăn cơ bản nhất của mạng này là máy đầu cuối cho khách hàng.
Tuy nhiên, cuộc thay máu công nghệ sẽ vô cùng tốn kém bởi S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm… Ngoài việc đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại cho khách hàng. Giới chuyên môn nhận định đây là cuộc chơi tiêu tốn tới vài trăm triệu USD và nhanh nhất phải đến năm 2013, S-Fone mới giải quyết xong vấn đề này.
Sẽ ra quy định giá sàn để chống phá giá cước di động
Theo ictnews , vnmedia đưa tin- Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã yêu cầu Cục Viễn thông sớm xây dựng Thông tư về quản lý giá cước, trong đó có quy định về “giá sàn” để làm cơ sở xác định “ngưỡng” phá giá thị trường của các gói cước viễn thông. Tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước tháng 1/2012 của Bộ TT&TT vừa diễn ra sáng ngày 6/2/2012, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết thời gian qua, một số doanh nghiệp nhỏ như Beeline vẫn tiếp tục triển khai một số chương trình, gói cước có dấu hiệu phá giá thị trường. Theo nhận định của Beeline, nếu họ không tiếp tục phá giá một chút thì khó có được thuê bao trong bối cảnh thị trường thuê bao di động đã tiến dần đến mức bão hòa.
Dự đoán thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ sẽ vẫn tiếp tục phá giá, nên ông Hải kiến nghị Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp kiên quyết đảm bảo xử lý nghiêm minh các vi phạm, trên cơ sở đó giữ vững sự phát triển của thị trường.
Nếu để doanh nghiệp tiếp tục phá giá thì sẽ dẫn tới hệ lụy là nhiều doanh nghiệp khác cũng phá giá theo (chẳng hạn như khi gói cước Tỷ phú của Beeline không bị “tuýt còi”, một số nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone cũng rục rịch khuyến mại kiểu phá giá), khi đó, thị trường sẽ rất khó phát triển bền vững.
Hơn 800 ứng dụng Việt xuất hiện trên NokiaStore
Vietnamplus đưa tin- Theo ông Fabien Lotz, Giám đốc Hệ cộng sinh di động Nokia Indochina và Philippines, hiện đã có trên 815 ứng dụng di động của Việt Nam trên “chợ” NokiaStore. Tại buổi trao đổi với báo chí chiều 9/2, ông Fabien Lotz cho biết, hiện NokiaStore có hơn 50.000 ứng dụng di động. Có 177 nhà phát triển nội dung đăng ký sản phẩm đạt trên 1 triệu lượt tải, trong đó Việt Nam cũng có 4 đơn vị là Naiscorp, VNG, Colorbox và BlueSea. Cũng theo ông Fabien Lotz, tính đến cuối tháng 12/2011, số lượng tải từ thị trường Việt Nam đã đạt 100 triệu lượt và trở thành “top” 10 thị trường có lượt tải nhiều nhất trên thế giới của NokiaStore. Thống kê của Nokia cũng cho thấy, hơn 70% lượt tải ở Việt Nam là do người sử dụng điện thoại phổ thông, 30% còn lại là điện thoại thông minh (smartphone).
Để thúc đẩy mạnh hơn nữa ngành công nghiệp nội dung số và “làm giàu” thêm ứng dụng trên NokiaStore, phía Nokia đã gặp gỡ với hơn 130 nhà cung cấp nội dung của Việt Nam để trao đổi, tạo điều kiện đào tạo, giúp họ làm ra sản phẩm cung cấp cho NokiaStore. Đây cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp nội dung tiếp cận thị trường trong nước và toàn cầu.
So gói cước 3G của các “đại gia” di động
Theo Vietnamne t- Ngày 12/10/2009, VinaPhone đã mở màn “khai hỏa” đưa dịch vụ 3G ra thị trường và trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam. Sau đó, lần lượt đến MobiFone, Viettel, EVN Telecom và cuối cùng là Vietnamobile tham gia cung cấp dịch vụ này.
Cho dù thị trường hiện đã có tới 5 nhà khai thác cung cấp dịch vụ 3G, nhưng trên thực tế thì cuộc chạy đua này chỉ là cuộc chơi của 3 ông lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel. Sở dĩ thị trường hình thành cuộc chơi tay 3 như vậy vì EVN Telecom trong một thời gian dài bị đình trệ kinh doanh và hiện đang trong quá trình sáp nhập vào Viettel. Trong khi đó, Vietnamobile mới ra nhập thị trường này vào cuối tháng 12/2011 nên chưa gây được ấn tượng gì đối với dịch vụ 3G này. Hiện nay, cả VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đưa ra gói cước truy cập 3G không giới hạn cho máy tính và điện thoại di động.Thế nhưng, nếu “mổ xẻ” kỹ lưỡng thì VinaPhone đang tạm thời có ưu thế hơn vì có mức cước rẻ hơn.
Ngày 5/1/2012, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen đã công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ 3G của VinaPhone, MobiFone và Viettel tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Kết quả khảo sát này cho thấy VinaPhone được khách hàng đánh giá về mức độ hài lòng với dịch vụ 3G đứng thứ 2 trong 3 mạng di động lớn. Thế nhưng, đại diện Nielsen tỏ ra khá ngạc nghiên vì sự nhận biết mang yếu tố cảm tính của khách hàng đối với cước dịch vụ 3G của 3 nhà mạng này. “Theo tính toán của chúng tôi thì VinaPhone đang là mạng di động có mức cước rẻ nhất trong khi đó hầu hết khách hàng lại nghĩ rằng đó một mạng khác” đại diện Nielsen nói.
FPT giải thể toàn bộ công ty thành viên, tái cấu trúc toàn diện
Theo Ictpress - Ngày 08/02, thông tin từ FPT cho biết, đơn vị thành viên của Tập đoàn này là Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã có quyết định tái cấu trúc toàn diện. Theo đó, FPT Software không tiếp tục duy trì hình thức công ty thành viên và tư cách pháp nhân của các đơn vị này, thay vào đó sẽ thành lập mô hình mới được FPT Software gọi là các đơn vị phần mềm chiến lược. Cụ thể, FPT Software sẽ có 6 đơn vị phần mềm chiến lược được thành lập từ các công ty và trung tâm thành viên. Các đơn vị này sẽ được tổ chức theo lĩnh vực kinh doanh, theo thị trường hoặc theo khách hàng. Gần đây, Tập đoàn FPT và các công ty thành viên liên tục có các động thái tái cấu trúc mạnh mẽ và thay đổi hàng loạt "tướng" ở cấp cao nhất. Cuối tháng 10/2011, FPT đã đồng thời thay Chủ tịch và Tổng giám đốc tại FPT Software, với các quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.
FPT giải thích, việc thay đổi trên đây nhằm đưa FPT Software đạt mục tiêu trở thành công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên đạt mức doanh số trên 100 triệu USD với 5.000 lập trình viên vào năm 2013, và năm 2012 sẽ là bước đệm quan trọng để thực hiện mục tiêu này.