Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
I. Tổng quan về Chương trình GMS
Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các nước thành viên của GMS gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Tiểu vùng Mê Công Mở rộng là một khu vực được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mê Công, có diện tích 2,6 triệu km vuông và dân số là khoảng 340 triệu người. Hợp tác GMS được đánh giá là cơ chế hợp tác có hiệu quả hàng đầu trong các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mê Công.
1. Mục tiêu dài hạn: Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đưa tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.
2. Nguyên tắc hợp tác và lựa chọn dự án tiểu vùng GMS: (i) Hợp tác GMS cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống nhân dân trong Tiểu vùng. Khác với hợp tác trong các khuôn khổ đa phương như ASEAN hay APEC dựa trên các hiệp định, hợp tác GMS chủ yếu dựa trên các dự án cụ thể (projects-based) về kết nối giao thông và hành lang kinh tế. Các chương trình và dự án cần phản ánh sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường; (ii) Các dự án có thể thu hút một số quốc gia trong tiểu vùng Mê Công mở rộng và không nhất thiết phải bao gồm tất cả 6 nước. Các sáng kiến và các quyết định liên quan đến các dự án tiểu vùng được các nước liên quan thực hiện trên cơ sở tự nguyện; (iii) Việc cải tạo hoặc khôi phục những cơ sở hạ tầng hiện có được ưu tiên cao hơn việc xây dựng các cơ sở mới; (iv) Việc tài trợ cho các dự án từ nguồn Chính phủ và tư nhân đều được khuyến khích; (v) Các nước thành viên GMS cần thường xuyên gặp gỡ trao đổi để duy trì động lực thúc đẩy tiến trình hợp tác phát triển; (vi) Các dự án hợp tác sẽ không làm tổn hại lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, dù là lợi ích đã có hoặc sẽ có trong tương lai.
3. Chiến lược hợp tác Tiểu vùng Mê Công Mở rộng về cơ bản dựa trên ba trụ cột, hay còn gọi là Ba “C”, đó là (3C – Connectivity: Kết nối hạ tầng, Competitiveness: Tăng cường khả năng cạnh tranh, Community: Kết nối cộng đồng (môi trường, y tế, giáo dục), cụ thể như sau:
• Kết nối hạ tầng: Nâng cao khả năng kết nối qua phát triển bền vững hạ tầng vật chất và chuyển đổi các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia.
• Cải thiện năng lực cạnh tranh qua hỗ trợ hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa xuyên biên giới, hội nhập thị trường, các quy trình sản xuất, các chuỗi giá trị.
• Nâng cao ý thức cộng đồng qua các chương trình và dự án nhằm giải quyết những quan ngại chung về xã hội và môi trường.
4. Khái quát về tình hình triển khai
Thời gian qua, hợp tác GMS được triển khai trên các lĩnh vực: Giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, du lịch, đầu tư, thương mại và phát triển nhân lực. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải được triển khai mạnh nhất, với sự hình thành của các hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông - Tây, … và các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hành khách và hàng hoá qua biên giới tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS-CBTA).
GMS đang triển khai Khung Chiến lược hợp tác mới 2012-2022 (thông qua tại HNCC GMS 4, Myanmar, 12/2011). Trên cơ sở Khung chiến lược hợp tác này, HNBT GMS 18 (Nam Ninh, 12/2012) đã thông qua Khung Đầu tư khu vực GMS (RIF). HNBT GMS 19 (Lào, 12/2013) về cơ bản thông qua danh mục 200 dự án của RIF, tuy nhiên các nước GMS đang tập trung lên danh sách các dự án ưu tiên cho thời gian tới. Do nhu cầu hỗ trợ lớn và cạnh tranh giữa các nước trong tiểu vùng ngày càng quyết liệt, phần lớn các dự án trong RIF chưa xác định nguồn tài trợ. Đây là thách thức lớn đối với GMS cũng như nhiều khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác trong thời gian tới.
Tuy được đánh giá là một trong những cơ chế thành công nhất ở tiểu vùng, nhưng hợp tác GMS cũng đối mặt với một số thách thức như: (i) Khó khăn trong thu hút nguồn lực cho các dự án hợp tác (RIF-II 2022 của GMS cần số vốn gần 64 tỷ đô la Mỹ, trong khi vốn của các nước GMS và ADB chỉ đáp ứng khoảng 50%); (ii) Chênh lệch trình độ phát triển trong GMS còn cao, không chỉ giữa các nước Mê Công, mà còn giữa các nước Mê Công với Trung Quốc.
5. Kết quả một số Hội nghị gần đây:
Cho đến nay, GMS đã tổ chức 22 Hội nghị Bộ trưởng và 5 Hội nghị Thượng đỉnh. Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6 sẽ tổ chức tại Việt Nam từ ngày 29-31/3/2018.
HNCC GMS lần 5 được tổ chức từ 19 – 20/12/2014 tại Băng Cốc, Thái Lan với chủ đề “Cam kết phát triển bền vững và bao trùm tại tiểu vùng Mê Công mở rộng”. Các Lãnh đạo GMS đã thảo luận về ba nội dung chính: (i) Tăng cường kết nối khu vực; (ii) Phát triển bền vững và bao trùm tiểu vùng Mê Công; (iii) Hợp tác giữa GMS với các sáng kiến tiểu vùng khác và thu hút nguồn lực cho các dự án GMS.
Hội nghị nhất trí tiếp tục ưu tiên phát triển các tuyến hành lang kinh tế trong khu vực thông qua thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động về các hành lang kinh tế GMS, xây dựng Chương trình hoạt động tổng thể về tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại. Kế hoạch thực hiện khung đầu tư chiến lược (RIF IP) cho giai đoạn 2014-2018 gồm 92 dự án ưu tiên với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đô la Mỹ (90% vốn là dành cho các dự án giao thông). Về phát triển bền vững và bao trùm tiểu vùng Mê Công, Hội nghị đã ghi nhận những thách thức về môi trường và xã hội mà GMS đang phải đối mặt và nhất trí tiếp tục thực hiện Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP), chú trọng các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các thiên tai khác, thúc đẩy phát triển bền vững trong đó có bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Hội nghị Bộ trưởng GMS 20 (9/2015) đã rà soát tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện khung đầu tư chiến lược (RIF IP), thông qua Khung Chiến lược phát triển đô thị GMS 2015-2022, ghi nhận Khung hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới, Kế hoạch hành động và Chiến lược thúc đẩy du lịch GMS 2015-2020.
Hội nghị Bộ trưởng GMS 21 (11/2016) thông qua: (i) Kế hoạch thực hiện khung đầu tư chiến lược mới (new RIF IP) tới năm 2020, bao gồm 107 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật, với tổng số vốn ước tính là 32,6 tỷ USD; (ii) Nghiên cứu về thay đổi cơ chế một số hoạt động của GMS; (iii) Điều chỉnh các hành lang kinh tế trong GMS; (iv) Tài liệu khái niệm về rà soát giữa kỳ Khung đầu tư GMS 2012-2022.
Hội nghị Bộ trưởng GMS 22 (9/2017) thông qua: (i) Khung Đầu tư Khu vực (RIF - II) 2022 bao gồm 222 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuât, với tổng số vốn đạt gần 64 tỷ USD; (ii) Chiến lược ngành du lịch GMS giai đoạn 2016-2025. Ngoài ra, Hội nghị đã thảo luận về Kế hoạch hành động Hà Nội để hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022. Kế hoạch này dự kiến sẽ được thông qua tại HNCC GMS 6 tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội nghị đã rà soát Khung chiến lược và Kế hoạch hành động về phát triển nguồn nhân lực GMS giai đoạn 2013-2017 bao gồm đề xuất thành lập Nhóm công tác về hợp tác y tế GMS.
6. Các lĩnh vực hợp tác của GMS
Giao thông
Các đề án giao thông cho Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm xây dựng các hành lang giao thông ưu tiên kết nối tiểu vùng và kết nối giao thông đến các trung tâm dân cư, các đặc khu kinh tế và chế xuất, các điểm đến du lịch, thị trường và các trung tâm hoạt động kinh tế khác. Mục đích của các đề án này là nhằm đẩy mạnh thương mại, du lịch, đầu tư, và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và dịch vụ khác. Các hành lang giao thông chính hình thành cơ sở cho ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng Mê- kông Mở rộng, đó là: (i) Hành lang Kinh tế Bắc–Nam, (ii) Hành lang Kinh tế Đông–Tây, và (iii) Hành lang Kinh tế Phía Nam (tham khảo bản đồ). Các nước GMS hiện đang xây dựng một chiến lược giao thông khu vực, theo đó tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại của ba hành lang kinh tế, xây dựng các cơ sở logistics như cảng cạn, và kho bãi, cải thiện an toàn giao thông, và tăng cường năng lực. Chiến lược này dự kiến sẽ được các nước thông qua và báo cáo lên Cấp Cao GMS tháng 3/2018.
Hỗ trợ Giao thông và Thương mại
Hỗ trợ Giao thông và Thương mại tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào cải thiện các chính sách (hoặc “phần mềm”) liên quan đến việc giao thông, thương mại, và đầu tư, nhằm tăng cường kết nối và gắn kết giữa các quốc gia thành viên để đẩy mạnh đầu tư và thương mại xuyên biên giới. Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công Mở rộng là khuôn khổ cho các nỗ lực hỗ trợ giao thông và thương mại nhằm hỗ trợ hiệu quả vận chuyển hàng hóa, xe cộ và hành khách xuyên biên giới tại tiểu vùng. Các nước GMS hiện đang nỗ lực thúc đẩy việc ký kết MOU về cấp giấy phép cho các xe chuyên trở hàng hóa lưu thông trong GMS. Đây sẽ là kết quả rất quan trọng trong mở rộng thị trường dịch vụ giao thông vận tải trong GMS, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa trong khu vực.
Năng lượng
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm thiết lập một thị trường điện năng khu vực cạnh tranh và hội nhập qua đó phát triển bền vững các nguồn lực năng lượng phong phú của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng, cải thiện an ninh năng lượng và cải thiện cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại và trong khả năng chi trả của người dân. Các nước GMS hiện đang nỗ lực hình thành một trung tâm điều phối hợp tác năng lượng trong GMS để thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực.
Nông nghiệp
Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng Giai đoạn II (2011–2020) đặt mục tiêu về một tiểu vùng sẽ được công nhận trên toàn cầu là nơi sản xuất thực phẩm an toàn hàng đầu bằng các biện pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu và hội nhập với các thị trường toàn cầu qua các hành lang kinh tế khu vực. Ngày 6/9/2017, các bộ trưởng nông nghiệp GMS vừa thông qua Kế hoạch Hành Động 2018-2022 về Thúc đẩy Hợp Tác GMS về Chuỗi Giá trị Nông Nghiệp Thân Thiện Môi Trường (Strategy for Promoting Safe and Environment-Friendly Agro-based Value Chains in the Greater Mekong Subregion and Siem Reap Action Plan 2018-2022).
Môi trường
Chương trình Môi trường Trọng tâm của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm hình thành nên một khu vực trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Chương trình Môi trường Trọng tâm Giai đoạn II (2012–2016) tập trung vào ba chuyên đề ưu tiên: đa dạng hóa sinh học và giảm nghèo, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, và tăng cường năng lực. Ngày 31/1/2018 vừa qua, các Bộ trưởng môi trường GMS họp tại Chiềng Mai, Thái Lan đã thông qua Khung Chiến Lược Hành Động Môi Trường GMS và Kế Hoạch hành động 2018- 2022.
Phát triển Nguồn Nhân lực
Chiến lược và kế hoạch hành động phát triển nguồn nhân lực tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động và di cư, và phát triển xã hội. Các đề án hợp tác còn bao gồm các chương trình về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phòng chống HIV/AIDS, di cư an toàn, đào tạo kỹ thuật và nghề, giáo dục bậc cao và nghiên cứu.
Phát triển Đô thị
Lĩnh vực phát triển đô thị tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng tập trung vào đầu tư cho các dịch vụ và hạ tầng đô thị ưu tiên tại các thành phố nhỏ và vừa dọc các hàng lang giao thông GMS. Ngoài mục đích chuẩn bị cho tăng trưởng dân số, những hoạt động đầu tư này còn góp phần chuyển đổi các hành lang giao thông thành hành lang kinh tế và nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm và thị trường tại các vùng nông thôn.
Du lịch
Lĩnh vực du lịch tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng sẽ xây dựng và khuyếch trương khu vực GMS thành một điểm đến duy nhất với sự đa dạng về những sản phẩm tiểu vùng có lợi ích cao, chất lượng tốt, nhằm giúp phân bổ lợi ích của du lịch được rộng rãi hơn trong khi giảm thiểu tối đa những tác động bất lợi. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng du lịch, kết hợp với nâng cao năng lực, đào tạo và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng sẽ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển bền vững. Các Bộ Trưởng Du lịch của GMS thông qua Chiến lược phát triển du lịch GMS 2016-2025 tại Hội Nghị Bộ Trưởng lần thứ 22 của GMS tháng 9/2017.
Công nghệ Thông tin và Truyền thông
Các nỗ lực về công nghệ thông tin và truyền thông tại Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm cải thiện kết nối viễn thông, cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ đẩy mạnh cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhằm giảm chi phí giao dịch và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực GMS.
Các khu Kinh tế Cửa khẩu và Đa ngành khác
Trọng tâm Khuôn khổ Chiến lược của Tiểu vùng Mê Công Mở rộng nhằm phát triển các hành lang kinh tế đã xúc tác đẩy mạnh sự quan tâm đến các đặc khu kinh tế, đặc biệt là các khu kinh tế cửa khẩu, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ngành lĩnh vực. Để tối đa hóa lợi ích của các hành lang kinh tế, ta cần phải có ngày càng nhiều các dự án đa ngành với sự tham gia đầu tư của khu vực công và tư nhân, bao gồm cả những can thiệp về phần cứng và phần mềm.
7. Về các văn bản hợp tác chính:
7.1. Khung chiến lược GMS giai đoạn 2002-2012 được các nước GMS thông qua vào năm 2002, tập trung vào 5 lĩnh vực: (1) Tăng cường liên kết hạ tầng, (2) Thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch xuyên biên giới, (3) Đẩy mạnh sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường năng lực cạnh tranh, (4) Phát triển nguồn nhân lực và (5) Bảo vệ môi trường và thúc đẩy sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trên cơ sở Khung Chiến lược GMS này, các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng đã thống nhất 11 chương trình ưu tiên, bao gồm: (i) Các tuyến trục bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin liên lạc; (ii) Hành lang kinh tế Bắc – Nam; (iii) Hành lang kinh tế Đông – Tây; (iv) Hành lang kinh tế phía Nam; (v) Các tuyến liên kết điện năng và thương mại điện năng trong khu vực; (vi) Khung khổ chiến lược môi trường; (vii) Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới; (viii) Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và khả năng cạnh tranh; (ix) Phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng; (x) Quản lý nguồn nước và phòng chống lũ; (xi) Phát triển du lịch tiểu vùng GMS.
7.2. Khung Chiến lược của Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê-công mở rộng giai đoạn 2012-2022 đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 (tháng 11/2011, Mi-an-ma). Các quốc gia thành viên GMS tái khẳng định tầm nhìn và các mục tiêu chỉ đạo chương trình hiện nay là:
• Các quốc gia GMS đặt mục tiêu về một tiểu vùng sông Mê Công thịnh vượng, hội nhập và hài hòa.
• Chương trình GMS sẽ góp phần hiện thực hóa tiềm năng của tiểu vùng qua (i) môi trường chính sách thuận lợi và hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; và (ii) phát triển nguồn nhân lực và năng lực kỹ năng.
• Đảm bảo một quá trình phát triển công bằng và bền vững, những lợi ích về môi trường và xã hội sẽ được tôn trọng đầy đủ trong việc hình thành và triển khai Chương trình GMS.
Các nước GMS nhất trí tiếp tục áp dụng các tiếp cận trong xây dựng và thực hiện Chương trình GMS dựa trên các nguyên tắc; (i) Làm chủ, (ii) Thương lượng bình đẳng, (iii) Lợi ích chung, (iv) Tiến độ thực hiện nhanh, (v) Cùng thắng, (vi) Thừa nhận trình độ phát triển khác nhau giữa các nước GMS, cũng như cách tiếp cận hành động có tính thực tế cao trong thiết kế và thực hiện các chương trình hợp tác GMS.
7.3. Khuôn khổ đầu tư vùng (RIF) lần thứ nhất giai đoạn 2014-2018 cho Tiểu vùng Mê Công Mở rộng được các Bộ trưởng các quốc gia GMS thông qua vào tháng 12 năm 2013, nhằm triển khai Khuôn khổ Chiến lược qua việc xác định một danh mục các dự án hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư ưu tiên từ năm 2013 đến năm 2022. Khuôn khổ đầu tư vùng bao gồm 200 dự án trên 10 lĩnh vực với mức đầu tư ước tính trên 50 tỷ đô-la. Kế hoạch triển khai Khuôn khổ đầu tư vùng (RIF) đã xác định ra một danh mục vững chắc gồm 92 dự án ưu tiên cao cho giai đoạn 2014-2018, cùng kế hoạch triển khai sát thực tế và hệ thống giám sát trong trung hạn. Hiện các nước GMS đang xây dựng Khung RIF lần thứ hai và dự kiến sẽ thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 tại Việt Nam vào ngày 31/3/2018.
8. Về cơ chế hợp tác:
8.1. Hội nghị Bộ trưởng GMS họp thường niên luân phiên tại các nước thành viên của hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng. Hội nghị Bộ trưởng các nước GMS tập trung xem xét tình hình và thống nhất các giải pháp thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế trong Tiểu vùng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam – Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam về Hợp tác tiểu vùng Mê-công mở rộng là Trưởng đoàn Việt Nam các Hội nghị Bộ trưởng GMS. Cho tới nay, GMS đã tổ chức được 22 Hội nghị Bộ trưởng.
8.2. Hội nghị Thượng đỉnh GMS là Hội nghị của Lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên GMS. Đến nay đã tổ chức 5 Hội nghị Thượng đỉnh các nước thành viên GMS. Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình hợp tác kể từ Hội nghị Thượng đỉnh trước đó và đưa ra các định hướng hợp tác thời gian tới.
8.3. Tại mỗi quốc gia thành viên GMS, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức của mình cử Điều phối viên quốc gia Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng. Điều phối viên quốc gia có nhiệm vụ phối hợp các hoạt động của các bộ, ngành và các địa phương Việt Nam tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Chương trình GMS Điều phối viên quốc gia giúp việc cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng GMS.
Để triển khai thực hiện Khung Chiến lược và Chương trình hợp tác GMS, trong khuôn khổ GMS còn tổ chức các Diễn đàn và các Nhóm công tác theo một số lĩnh vực hợp tác ưu tiên, bao gồm Diễn đàn Giao thông tiểu vùng; Diễn đàn hành lang kinh tế; Diễn đàn năng lượng tiểu vùng; Diễn đàn thông tin liên lạc tiểu vùng; Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực, Nhóm công tác về du lịch; Nhóm công tác về nông nghiệp, Nhóm công tác về môi trường,…
9. Vai trò của ADB trong hợp tác GMS
ADB đóng vai trò là Ban Thư Ký của hợp tác GMS. Hỗ trợ của ADB bao gồm (i) các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; và (ii) hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lưc.
Trong vòng 25 năm, ADB và các đối tác đã đầu tư khoảng 20 tỉ đô la cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực GMS (không tính các dự án đầu tư quốc gia), để xây dựng khoảng 10,000 km đường cao tốc, 500 km đường sắt, và khoảng 2,000 đường dây chuyển tải điện.
II. Việt Nam trong Hợp tác GMS
Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực. Tính đến tháng 12/2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ đô la, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Trong đó, lĩnh vực giao thông chiếm 87%; các lĩnh vực khác: phát triển đô thị (7,9%), y tế và bảo trợ xã hội (2,7%), nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên (3,7%), công nghiệp và thương mại (0,4%), thuận lợi hoá thương mại và vận tải (0,2%).
Việt Nam đã tham gia vào nhiều sáng kiến và các lĩnh vực hợp tác khác nhau của hợp tác GMS, cụ thể: Hiệp định tạo thuận lợi giao thông qua biên giới (CBTA) các nước GMS; Nghiên cứu chiến lược ngành giao thông tiểu vùng; Xây dựng Khung chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư; Diễn đàn Kinh doanh GMS; Nghiên cứu và Kế hoạch tổng thể khu vực về liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các quốc gia về thương mại điện năng khu vực, Hiệp định thương mại Điện năng khu vực; Xây dựng Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mê-công; Phòng chống HIV/AIDS cho dân di cư tự do, Giáo dục Phòng chống HIV/AIDS tại các khu vực vùng biên, và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm khu vực GMS; Nghiên cứu về Xoá bỏ Ma tuý trong GMS; Chương trình xây dựng năng lực cho các cán bộ GMS theo Kế hoạch Phnôm Pênh về Quản lý Phát triển; Các chương trình hợp tác du lịch Khung chiến lược và kế hoạch hành động nhân lực GMS; Khung chiến lược môi trường và chương trình môi trường trọng điểm, bao gồm Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học; Xoá đói giảm nghèo và quản lý môi trường tại các lưu vực vùng sâu vùng xa; Mở rộng hợp tác tiểu vùng về nông nghiệp; v.v..,
Một số kết quả hợp tác cụ thể như sau:
1. Hợp tác giao thông vận tải
Hiện nay, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào 3 tuyến hành lang kinh tế chính là: Bắc - Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển phía Nam. Việc kết nối các tuyến hành lang qua lãnh thổ Việt Nam giúp Việt Nam tối đa hoá các lợi ích kinh tế thu được từ kết nối giao thông, tăng cường thương mại và đầu tư trong các vùng dọc theo các hành lang kinh tế.
Nhiều dự án giao thông đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến đường thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (140 triệu USD do ADB tài trợ) đã đưa vào sử dụng tháng 11 năm 2005, bao gồm cả việc xây dựng hai trạm kiểm soát biên giới tại cửa khẩu biên giới Bà Vẹt và Mộc Bài. Dự án tài trợ hành lang Đông-Tây, đoạn đường từ Đông Hà - Lao Bảo (do ADB tài trợ 30 triệu USD) đã được hoàn thành năm 2005. Cùng với việc hoàn tất xây dựng hầm đường bộ Hải Vân và nâng cấp cảng Đà Nẵng do Nhật Bản tài trợ, cũng như việc hoàn thành xây dựng cầu quốc tế Mê-công thứ hai nối Mục-đa-hản và Sa-va-na-khẹt vào cuối năm 2006 đã thông tuyến giao thông của hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền đường bộ từ Thái Lan – Lào -Việt Nam đi ra biển Đông. Một số dự án khác như tuyến hành lang phía bắc giá trị 75 triệu USD đoạn từ Thanh Hoá nối sang Lào và Thái Lan, tuyến hành lang phía Nam giá trị 25,5 triệu USD đoạn quốc lộ 80 và 63 nối Việt Nam và Cam-pu-chia, v.v. Dự án Hành lang Côn Minh - Hải Phòng và Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được phê duyệt vào tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 5/2010. Đường cao tốc dài nhất của Việt Nam, tuyến Nội Bài-Lào Cai, khai trương vào tháng 9/2014 và là một phần trong dự án hành lang kinh tế Bắc-Nam do ADB hỗ trợ, đã mang lại giá trị kinh tế lớn. Đường cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội với biên giới Trung Quốc tại Lào Cai, dài 244 km về phía tây bắc, giảm thời gian đi lại từ 7 giờ xuống còn 3 giờ.
Việc thực hiện Hiệp định Giao thông xuyên biên giới GMS (CBTA) đã mang lại các kết quả tích cực, cho phép giải phóng nhanh các loại hàng hoá thông thường và rút ngắn thời gian xử lý thông quan cho người, phương tiện và hàng hoá. Việt Nam đã thông qua Hiệp định CBTA vào năm 1999, và tới nay đã thông qua tất cả các phụ lục của Hiệp định. Từ năm 2012, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cấp phép cho các phương tiện của nhau dọc tuyến Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Nam Ninh – Thâm Quyến. Trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, Việt Nam, Thái Lan và Lào đã ký Bản ghi nhớ mở rộng tuyến đường nối tới thủ đô của ba nước và hai cảng biển lớn là Laem Chabang và Hải Phòng.
2. Hợp tác năng lượng
Trong lĩnh vực điện năng, Viêt Nam tham gia ký kết và thực hiện Kế hoạch Tổng thể Khu vực về liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các Quốc gia về Thương mại điện năng khu vực; Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mê-công; Thương mại điện năng tiểu vùng Mê-công mở rộng... Hiệp định thương mại điện năng tiểu vùng giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng Mê-công đã được ký kết là yếu tố rất quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu điện năng của Việt Nam trong tương lai.
Hợp tác phát triển năng lượng GMS giúp Việt Nam xác định, chuẩn bị và đầu tư cho các sáng kiến ưu tiên nhằm thúc đẩy thương mại điện năng, cũng như thiết lập các thể chế theo định hướng đảm bảo an ninh năng lượng trong Tiểu vùng Mê-công mở rộng. Ngoài ra, việc tham gia các cuộc họp của Uỷ ban điều phối thương mại năng lượng khu vực GMS cũng giúp Việt Nam cập nhật tình hình phát triển thị trường và kế hoạch ngành năng lượng của các nước GMS, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật từ ADB và phối hợp hài hoà chính sách với các nước GMS.
Ngoài ra, hợp tác GMS hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, từ đó bổ sung cho đầu tư của khu vực công và bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng trong nước tăng mạnh. Việt Nam đã phối hợp với các nước láng giềng GMS để tận dụng các thoả thuận thương mại về điện trong tiểu vùng; chia sẻ thông tin về thăm dò, sản xuất và truyền tải các nguồn năng lượng. Việt Nam cũng mở rộng việc tiếp cận điện năng tới các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng.
3. Hợp tác viễn thông
Trong thời gian qua, Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực cải thiện mạng viễn thông tiểu vùng và thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Cùng với các nước GMS khác, Việt Nam có nhiều đóng góp trong nghiên cứu xây dựng năng lực và phát triển chính sách ngành Viễn thông GMS.
Hiện Việt Nam đang cùng các nước triển khai Kế hoạch hành động Viêng Chăn trong lĩnh vực viễn thông GMS. Sự tham gia của Việt Nam hiện nay tập trung vào việc xây dựng mạng Siêu xa lộ thông tin GMS. Siêu xa lộ này cung cấp đường truyền viễn thông băng rộng gắn kết 6 quốc gia GMS. Các dịch vụ cơ bản sẽ được khai thác cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội như thương mại điện tử, chính phủ điện tử và giáo dục điện tử. Việt Nam cũng tham gia vào việc phát triển công nghệ giao tiếp và thông tin trong các địa bàn nông thôn, xây dựng năng lực công nghệ thông tin, lập kế hoạch cho sự phát triển viễn thông nhằm định hướng cho các sáng kiến hợp tác giữa các nước GMS trong tương lai.
4. Hợp tác phát triển nguồn nhân lực (y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề và di cư)
Các nước GMS coi việc kiểm soát các bệnh dịch truyền nhiễm xuyên biên giới như SARS, cúm gia cầm, HIV/AIDS và các bệnh dịch khác như bại liệt, sốt rét và lao là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác y tế. Việt Nam tham gia dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) của ADB cho các nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Dự án này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường năng lực ngăn ngừa lan truyền dịch bệnh xuyên biên giới và phòng chống các bệnh truyền nhiềm. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nghiên cứu các giải pháp xoá bỏ ma tuý trong GMS.
Chương trình Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Phnom-pênh của tiểu vùng Mê Công mở rộng (PPP) cung cấp kiến thức cho các cán bộ nhà nước cấp trung và cấp cao của các nước GMS về chính sách, xây dựng kế hoạch và quản lý phát triển. Các khoá tập huấn PPP chú trọng vào những nhu cầu đào tạo cấp thiết của các cơ quan hành chính Việt Nam và các nước GMS, các lĩnh vực đào tạo gồm quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng, thiết kế và thẩm định dự án, phát triển chính sách thương mại và quản lý giáo dục, lãnh đạo trong phát triển v.v… Trong khuôn khổ Chương trình này, Việt Nam cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung vào những nhu cầu đào tạo cấp thiết của các cơ quan hành chính Việt Nam và các nước GMS, bao gồm quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng, thiết kế và thẩm định dự án, phát triển chính sách thương mại và quản lý giáo dục, lãnh đạo trong phát triển v.v…
Việt Nam cũng tham gia xây dựng Khung chiến lược và kế hoạch hành động nhân lực GMS giai đoạn 2009-2012, và giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hỗ trợ triển khai các sáng kiến vùng về hợp tác nguồn nhân lực và xử lý các vấn đề xuyên biên giới về nhân lực giữa các nước GMS. Cùng với các đối tác GMS, Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào công cuộc giảm nghèo và bình đẳng giới nhằm hỗ trợ những lao động dễ tổn thương được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo quốc gia, đồng thời tăng cường việc bảo vệ người lao động di cư, cả trong nước và qua biên giới.
5. Hợp tác trong lĩnh vực môi trường
Trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam tham gia Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP) cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Chương trình này có mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế tiểu vùng. Chương trình CEP được triển khai thông qua Trung tâm Điều hành Môi trường GMS tại Băng Cốc từ tháng 4 năm 2006 và hiện đang thực hiện các hoạt động: đánh giá mức độ bền vững môi trường của các chiến lược phát triển và các kế hoạch đầu tư ưu tiên của các hành lang kinh tế GMS và của lĩnh vực ưu tiên; triển khai các hoạt động tại các điểm thử nghiệm được xác định trong Sáng kiến Hành lang Bảo tồn Đa dạng Sinh học; thể chế hoá các thủ tục và hệ thống đánh giá hoạt động môi trường tại các quốc gia GMS.
Kể từ năm 2012, CEP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường tiến hành các nghiên cứu đánh giá chiến lược về môi trường, tập trung vào khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo đó, ADB đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai các báo cáo về môi trường tại khu vực đồng bằng sông Hồng, phục vụ trực tiếp cho việc quy hoạch phát triển khu vực. Ngoài ra, ADB cùng Viện môi trường Stockholm cũng hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thí điểm nghiên cứu đánh giá môi trường trong các quy hoạch ngành điện và từ giữa năm 2014, ADB đã bắt đầu chính thức hỗ trợ Việt Nam điều chỉnh quy hoạch ngành điện giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030. Từ năm 2014, hợp tác GMS cũng triển khai sáng kiến vận tải xanh, với các dự án thí điểm ở Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nghiên cứu việc hạn chế lượng khí thải các-bon từ hoạt động vận tải. ADB cũng hỗ trợ việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học qua biên giới giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Theo CEP 2012-2016, trọng tâm của chương trình này là phục hồi, bảo vệ và quản lý bền vững các hành lang sinh học với sự tham gia của các cộng đồng dân cư.
6. Hợp tác nông nghiệp
Việt Nam tham gia thực hiện Khung Chiến lược Hợp tác GMS về nông nghiệp và Chương trình Hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm (CASP) các giai đoạn 2006-2010 và 2011-2020 với sự hỗ trợ của ADB. Việc thực hiện Khung chiến lược mang lại lợi ích cho Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư qua biên giới về nông nghiệp, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và chia sẻ thông tin, thực hiện các chương trình hợp tác về nâng cao năng lực, thiết lập cơ chế phản hồi khẩn cấp trong các tình huống khủng hoảng nông nghiệp và hỗ trợ các nước GMS trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các mối liên kết thể chế và cơ chế hợp tác GMS trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ năm 2015, Việt Nam đã thành lập đơn vị hỗ trợ ban thư ký quốc gia, đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và ký thoả thuận hợp tác với ADB vào tháng 2/2015. Việt Nam hiện có 8 dự án nông nghiệp với số vốn 310.000 USD, bao gồm dự án: (i) Hỗ trợ phụ nữ phát triển hệ thống nông nghiệp xanh và tiếp cận thị trường ở Ba Vì, Hà Nội; (ii) Xây dựng các cơ sở trồng rau kiểu mẫu tiêu chuẩn IFOAM tại Hoài Đức, Hà Nội; (iii) Tổ chức diễn đàn chính sách về sản xuất gạo ít các bon; (iv) Sản xuất lúa bền vững tại đồng bằng sông Hồng trên cơ sở giảm lượng phân bón và khí thải nhà kính; (v) Nâng cao an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường của các hộ sản xuất nhỏ tại Việt Nam trong lĩnh vực nuôi gà; (vi) Đào tạo kỹ năng sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp cho phụ nữ Khơ-me ở tỉnh Sóc Trăng; (vii) Nghiên cứu áp dụng các sản phẩm vi sinh vào nông nghiệp organic ở Việt Nam; (vi) Đào tạo các chuyên gia về gạo.
Việt Nam đã phối hợp với các đối tác của GMS triển khai nhiều biện pháp để tăng năng suất cho ngành nông nghiệp; ưu tiên cho những cải cách quan trọng nhằm đạt được sự tăng trưởng ổn định trong sản lượng nông nghiệp, từ đó đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Cũng như các nước GMS khác, Việt Nam chú trọng phát triển giao thông nông thôn và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của người dân nhằm cải thiện sinh kế nông nghiệp và nông thôn.
7. Hợp tác du lịch
Các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng đã hình thành Chiến lược phát triển Du lịch 10 năm và hình thành Kế hoạch hành động năm về Du lịch tiểu vùng. Chiến lược này nhấn mạnh vào việc phát triển GMS trở thành điểm đến du lịch của thế giới, xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến du lịch, tăng cường và nâng cao các tiêu chuẩn quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, đồng thời thúc đẩy du lịch dựa vào cộng đồng và vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Năm 2011, Việt Nam cũng các thành viên GMS đã điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch GMS vùng theo hướng: (i) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (ii) Phát triển du lịch vì người nghèo, du lịch bền vững; (iii) Phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch GMS.
Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc hình thành “Chiến lược ngành du lịch GMS giai đoạn 2016-2025” nhằm xây dựng khu vực GMS là một điểm đến du lịch có tính cạnh tranh hơn, phát triển cân bằng và bền vững hơn; tập trung vào 5 hướng triển khai chiến lược là: (i) Phát triển nhân lực du lịch; (ii) Cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch; (iii) Nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ dành cho du khách; (iv) Các chiến lược ma-két-ting sáng tạo; (v) Thúc đẩy du lịch liên kết ở quy mô vùng.
Việt Nam tham gia tích cực trong các dự án du lịch như: Phát triển ngành Du lịch tại Khu vực Tam giác phát triển Xanh Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam và Vùng du lịch châu thổ sông Hồng. Các nước ven sông Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia cũng tham gia vào Dự án phát triển tổng thể Du lịch Mê Công GMS với các nội dung: Cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển du lịch dựa vào cộng đồng và vì người nghèo; hợp tác tiểu vùng về du lịch bền vững; và hỗ trợ triển khai và nâng cao năng lực thể chế hợp tác GMS. Việt Nam cũng tham gia dự án “Phát triển du lịch bền vững GMS” với 3 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 1, tổng vốn cho Việt Nam là 8,5 triệu USD, giai đoạn 2 là 10 triệu USD, giai đoạn 3 vừa ký Hiệp định với ADB ngày 25/11/2014 với tổng vốn đầu tư dự án là 50 triệu USD. Dự án Phát triển Du lịch Bến sông Mỹ Tho đã giúp xây dựng một công viên tại Tiền Giang, gia cố kè sông và bến tàu nổi, đồng thời xây dựng thêm một nhà ga hành khách. Ngoài ra, Việt Nam cùng các nước GMS đã thiết lập Văn phòng điều phối du lịch Mê Công đặt tại Băng Cốc, Thái Lan.
8. Hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư
Viêt Nam tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của GMS, cụ thể: Tham gia các Diễn đàn doanh nghiệp GMS, Diễn đàn đầu tư GMS, Diễn đàn thương mại GMS; Thực hiện Khuôn khổ chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư (SFA-TFI). Bên cạnh đó, với việc tham gia xây dựng Khung đầu tư tiểu vùng, Việt Nam có cơ hội quảng bá để thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực xúc tiến đầu tư của Việt Nam.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao)