Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Getty Images |
Reuters bình luận đề xuất này sẽ gặp nhiều khó khăn ở một quốc hội đang bị chia rẽ, trong một năm bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Kế hoạch ngân sách cũng bao gồm một điểm nhấn trong lịch trình tái tranh cử của ông Obama: công bằng kinh tế. Tổng thống Mỹ muốn những người giàu phải chia sẻ nhiều hơn gánh nặng thâm hụt ngân sách liên bang, ở mức hơn 1.000 tỉ USD trong năm thứ tư liên tiếp.
Dự thảo ngân sách 3,8 nghìn tỉ USD “phản ánh sự chia sẻ trách nhiệm”, theo lời ông Obama nói tại Annandale, Virginia, bao gồm đề xuất đánh thuế thu nhập ít nhất 30% với các triệu phú. Ông Obama cũng nói trong dự thảo có 800 tỉ USD được dành để tạo ra việc làm và đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm hàng tỉ USD cho đường bộ, đường sắt và trường học.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về đề xuất ngân sách này. “Đây hoàn toàn là chuyện chính trị, không hề có một chiến lược thấu đáo” - William Larkin, giám đốc phụ trách danh mục đầu tư thu nhập cố định của Hãng Cabot Money Management tại Salem, Massachusetts, bình luận trên Reuters.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2012 là 1,33 nghìn tỉ USD, tương đương 8,5% GDP của Mỹ, dự kiến sẽ giảm còn 901 tỉ USD vào năm 2013, tương đương 5% GDP. Ông Obama cũng dự kiến dành riêng các khoản ngân sách cho việc tuyển thêm giáo viên trường công, cảnh sát và lính cứu hỏa, đồng thời gia hạn những khoản miễn giảm thuế với tầng lớp trung lưu. Phe Cộng hòa chỉ trích ông Obama là người xã hội chủ nghĩa khi muốn cào bằng thành quả kinh tế, trong khi tổng thống Mỹ gọi các đối thủ là “đảng của người giàu”.
Trong bối cảnh hiện giờ, khi phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện, kế hoạch ngân sách của ông Obama khó lòng được thông qua, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống sắp đến gần, theo bình luận của Reuters. “Dự thảo ngân sách của Obama là sự xúc phạm với người đóng thuế Mỹ” - Mitt Romney, ứng viên đang dẫn đầu cuộc chạy đua đề cử người ra tranh cử tổng thống của phe Cộng hòa, bình luận.
Trong dự thảo, ông Obama dự kiến sẽ cắt giảm 487 tỉ USD chi tiêu cho quốc phòng, lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 1998 và dành ra 800 triệu USD viện trợ cho Trung Đông và Bắc Phi sau những cuộc nổi dậy ở Trung Đông thời gian vừa qua.
Hãng đánh giá tín nhiệm tín dụng Moody đã hạ bậc tín nhiệm của sáu nước châu Âu nữa vào ngày 13-2 trong bối cảnh lo lắng về nợ công ở châu lục này ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế vốn đã hết sức chậm chạp. Các nước bị Moody hạ bậc lần này là Bồ Đào Nha, Malta, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Ý. Trong khi ba nước Áo, Pháp và Anh, đang được đánh giá ở mức Aaa, bị đưa vào diện cảnh báo. Đánh giá với Ý và Tây Ban Nha hiện là A2 và A1 trong khi Bồ Đào Nha là Ba2, và đều bị cảnh báo còn có thể hạ thấp nữa. Động thái này của Moody diễn ra sau khi Fitch và Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm tín dụng các nước này cách đây không lâu. |