Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các nguồn tin giấu tên trên nhấn mạnh rằng ý tưởng này là một phần trong hàng loạt đề xuất mà Mỹ đưa ra trong các cuộc thảo luận gần đây với giới chức Trung Quốc về phương án giải quyết tốt nhất vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Chính quyền mới của Mỹ cũng nói rằng họ sẽ không sử dụng các hành động quân sự và sẽ bảo đảm an ninh cho chế độ của ông Kim Jong-un nếu các chương trình vũ khí nói trên của Bình Nhưỡng bị hủy bỏ.
Giới chức Mỹ cũng lưu ý rằng các phương án, trong đó có một cuộc tấn công quân sự, đang được cân nhắc nhằm tìm cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, họ cũng đồng thời nói rằng cánh cửa đối thoại vẫn còn để ngỏ.
Trước đó, chính quyền của ông Trump hồi cuối tháng 4 nói rằng rằng cách tiếp cận cơ bản của Washington đối với Triều Tiên là gây áp lực buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân bằng cách "thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và theo đuổi các biện pháp ngoại giao với các đồng minh và các đối tác trong khu vực".
Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Trump đã nói rằng ông không loại trừ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu một môi trường thích hợp được tạo ra.
Những đề nghị của Mỹ tập trung vào 4 cam kết: Đổi lấy việc Triều Tiên từ bỏ việc phát triển các công nghệ hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ không tìm cách thay đổi chế độ, không làm sụp đổ chế độ hoặc thúc đẩy việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, cũng như không tìm kiếm một cái cớ để tiến về phía Bắc của vĩ tuyến 38, đường biên giới trên thực tế ở bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc được cho là đã thông báo cho Triều Tiên tất cả những đề xuất nói trên của Mỹ. Về phần mình, Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ rút lực lượng vũ trang ở Hàn Quốc và ký một hiệp ước hòa bình lâu dài để thay thế lệnh ngừng bắn đã chấm dứt, nhưng về mặt kỹ thuật thì chưa bao giờ kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Triều Tiên không giấu diếm sự sẵn lòng trở lại bàn đàm phán với Mỹ.
Sẽ đối thoại chính thức?
* Trong một diễn biến liên quan, TTXVN dẫn nguồn từ truyền thông nước ngoài cho hay, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức đàm phán “không chính thức” kéo dài trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 8/5 tại một quốc gia châu Âu, qua đó dấy lên hy vọng tiếp tục cuộc đối thoại chính thức giữa hai nước.
Người chịu trách nhiệm các vấn đề nước Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã tới châu Âu qua đường Bắc Kinh để đàm phán với các cựu quan chức chưa rõ danh tính của Chính phủ Mỹ. Đây là lần đầu tiên diễn ra kiểu đối thoại như vậy giữa hai bên kể từ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.
Cuộc gặp trên được cho là diễn ra ở Na Uy, trùng với thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Washington và Bình Nhưỡng sẽ thảo luận về vấn đề hạt nhân và tên lửa, cũng như các quan hệ tương lai. Trọng tâm của cuộc đàm phán này sẽ là những kiểu yêu cầu mà Triều Tiên sẽ đưa ra khi ông Trump bày tỏ sẵn sàng tổ chức đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Đứng từ quan điểm của chính quyền Trump, các cuộc đàm phán không chính thức sẽ là cơ hội để khám phá bất cứ khả năng nào liên quan đến việc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán về phi hạt nhân. Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho rằng “với Triều Tiên, đây có thể là cơ hội để đánh giá chính sách của Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm đưa ra các vấn đề liên quan đến đến bán đảo Triều Tiên”.
Trong khi đó, ngày 8/5 Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin rằng Bình Nhưỡng đang cố tìm cách đàm phán với Washington, đồng thời khẳng định Seoul không tham gia bất cứ ý định đặc biệt nào với cuộc gặp không chính thức này./.