Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiềm năng lớn
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch TP cho hay, hiện ven sông Sài Gòn và các sông khác thuộc hệ thống có khá nhiều nhà vườn trồng hoa, cây kiểng và các làng nghề truyền thống dọc sông.
Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đã triển khai được tuyến du lịch đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Làng Nghệ nhân Hàm Long (quận 2), dự kiến sắp tới sẽ khảo sát thêm tuyên mới đi Cần Giờ. Đây sẽ là tuyến du lịch có khả năng đem lại tiềm năng lớn cho TP. Hồ Chí Minh với hệ thống sinh thái khá hoàn chỉnh của vùng ngập mặn Cần Giờ (hiện là khu dự trữ sinh quyển của thế giới).
Ý tưởng về các loại hình du lịch sông như chèo thuyền kayak, du lịch bằng tàu tốc hành... có khả năng đưa đến lợi thế khai thác lớn. Theo văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, ba điểm dừng chân khách du lịch sẽ được xây dựng tại xã Tam Thôn Hiệp, văn phòng phân khu 2 và khu vực tiểu khu 19 (huyện Cần Giờ) trong thời gian tới đây.
Không chỉ kết nối với tiềm năng du lịch đường sông trên địa bàn, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng tính toán khả năng phối hợp với ngành du lịch tỉnh Bình Dương để thiết lập tuyến du lịch từ bến Bạch Đằng đi Củ Chi, Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Theo kế hoạch, sau đợt khảo sát mới nhất của Hiệp hội du lịch TP, danh sách các nhà vườn có khả năng phát triển thành điểm đến của du lịch đường sông sẽ được trình thành phố phê duyệt.
Trước mắt, "bước đệm” về hạ tầng, nhân lực cho du lịch đường sông đã được chuẩn bị về cơ bản. Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ du thuyền.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP cho biết, hiện đơn vị có hơn 20 thành viên là chủ du thuyền, các doanh nghiệp đầu tư dịch vụ du thuyền tham gia và thời gian tới có khả năng mở rộng thêm.
Khởi động du lịch đường sông
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM vừa trình UBND TP kế hoạch phát triển du lịch đường sông năm 2011 và những năm sau. Theo đó những điểm tuyến sẽ khai thác trong năm 2011 bao gồm ba điểm dừng tại huyện Cần Giờ (xã Tam Thôn Hiệp, văn phòng phân khu 2, khu vực tiểu khu 19).
Trên cơ sở các điểm dừng này, có thể xây dựng một số tuyến mới để đưa vào khai thác trong năm nay gồm tuyến cho khách du lịch đại chúng theo hai hướng cùng xuất phát từ bến Bạch Đằng qua ba điểm mới đến thị trấn Cần Thạnh - Lâm viên Cần Giờ (chiến khu Rừng Sác) - cầu Dần Xây; bến Bạch Đằng - Tam Thôn Hiệp (sông Lòng Tàu) - khu du lịch Đầm Sen - khu du lịch Vàm Sát qua sông Soài Rạp.
Tuyến du lịch này có thể xây dựng một số chương trình tour gắn với du lịch cộng đồng, du khách có thể cùng tham gia trồng cây, cho cá tôm ăn, khai thác muối, khai thác tôm, đánh bắt cá và những trò chơi gắn liền với thiên nhiên sông nước, rừng Cần Giờ.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cho rằng, du lịch đường sông sẽ là sản phẩm chiến lược của du lịch TP trong thời gian tới.
Công Trí