Hoạt động này góp phần phục hồi quần thể cá bản địa, qua đó xây dựng ý thức bảo tồn thiên nhiên cho thiếu niên tại TP Hồ Chí Minh. Đây là những cá thể cá Lia thia sinh ra trong Chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” của Tổ chức này.
Trước đó, hơn 200 cá thể cá Lia thia khác cũng được Tổ chức WAR và học sinh thả xuống các phụ lưu khác của sông Sài Gòn nhằm hồi phục số lượng cá Lia thia vốn đang trở nên hiếm hoi tại các thủy vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ông Bùi Hữu Mạnh, Chuyên gia Bảo tồn- Tổ chức WAR cho biết: "Nếu được hướng dẫn, việc gây nuôi, nhân giống cá Lia thia khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian, công sức và với chi phí thấp. Với một không gian nhỏ, bạn cũng có thể nuôi cá Lia thia. Bạn chỉ mất khoảng 2-3 tháng để có một lứa cá Lia thia thả về thiên nhiên”.
Nhân dịp này, các chuyên gia của Tổ chức WAR còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá Lia thia cho các em thiếu niên và giao cá giống cho các em về nuôi và cho sinh sản tại nhà. Cá Lia thia con sinh ra từ những cặp cá giống này sẽ được chuyển cho các em khác tiếp tục gây nuôi nhân giống hoặc thả về thiên nhiên. Tổ chức WAR sẽ hỗ trợ theo dõi nghiêm ngặt việc gây nuôi cá, bao gồm cả hướng dẫn về thức ăn, chăm sóc và trị bệnh cá.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn - Tổ chức WAR, chỉ bằng một hành động nhỏ là nuôi cá bản địa để làm cảnh hay phóng sinh thay vì sử dụng các loài cá nhập nội khác, các em thiếu niên đã cùng với Tổ chức WAR tham gia bảo vệ một loài sinh vật bản địa đang dần biến mất khỏi môi trường đô thị. Mọi người đều có thể bắt đầu bằng một việc nhỏ để góp phần bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiếp tục chương trình nhân giống và thả thêm nhiều loài cá không có giá trị kinh tế nhưng là những loài nội địa, có tiềm năng trong ngành cá cảnh. Người dân TP Hồ Chí Minh và học sinh quan tâm có thể tiếp tục liên hệ với Tổ chức WAR để được tư vấn những thông tin bổ ích liên quan đến hoạt động phóng sinh, bảo toàn động vật hoang dã.
Hoàng Anh Tuấn