Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại cuộc bàn cách tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận được vốn diễn ra ngày 5/6, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay của thành phố chính là việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội. Vì vậy, từ nay đến ngày 10/6, các hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải rà soát, báo cáo cụ thể nhu cầu, khó khăn về vốn của từng doanh nghiệp.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết vừa tổng hợp được 13 doanh nghiệp có nhu cầu vay 550 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh và đang tiếp tục tổng hợp thêm 21 DN cần vốn hơn 1.200 tỷ đồng. Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn, yêu cầu mỗi ngân hàng thương mại làm việc với từng hiệp hội, doanh nghiệp để có hướng giải quyết cụ thể.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, từ sau khi Thông tư 14 quy định cho vay ưu đãi 4 nhóm doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu lực (ngày 4/5), tổng số doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi là trên 400 đơn vị, số tiền đã giải ngân là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nhưng ông Trần Minh Tuấn xác nhận hiện tại lãi suất cho vay ở mức 12-14%/năm như các gói cho vay mà các ngân hàng tung ra còn ít và lãi vay chủ yếu vẫn trên 16%/năm.
Tại cuộc họp, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh họp với các hiệp hội, cho biết cụ thể doanh nghiệp nào có nhu cầu vay vốn bao nhiêu. Cùng quan điểm, ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank, cho rằng NHNN cần mở rộng đối tượng áp dụng để giảm trần lãi suất. Eximbank đăng ký 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 13 - 14%/năm.
Công Trí