Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong khi thực hiện, 12 thôn làng trong xã đã kết hợp chặt chẽ việc triển khai đề án với việc xây dựng thôn làng an toàn không có tội phạm và các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… nên đã đạt được những kết quả khả quan. Riêng năm 2010 có 1.978/2.197 hộ được công nhận gia đình văn hóa; 12/12 thôn đạt thôn văn hóa và khu dân cư tiên tiến.
Thực tế cho thấy, kể từ khi triển khai thực hiện đề án, An Phú đã và đang từng ngày có nhiều đổi mới, tiến bộ trong mỗi nếp nhà, trong từng ngõ phố. Mỗi người dân đều tự giác nâng cao ý thức xây dựng nếp sống mới, từ việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các hộ gia đình đều có hầm rác tự hủy, có nhà vệ sinh đảm bảo môi trường. Các hộ sinh sống và kinh doanh dọc quốc lộ 19 đã đăng ký thu gom, cam kết không vứt rác bừa bãi, đường liên thôn sạch đẹp khang trang, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, vi phạm pháp luật, tai-tệ nạn xã hội giảm đáng kể.
Không chỉ thế, trong quá trình thực hiện đề án, An Phú còn có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong số đó là việc xây dựng mô hình tổ liên gia tự quản, làm điểm ở thôn 3 và thôn 6, chia thành 22 tổ với 100% số hộ tham gia. Mô hình hoạt động như một thôn, làng thu nhỏ, tổ liên gia tự quản có nhiệm vụ quản lý hoạt động của các gia đình và tự giám sát lẫn nhau, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người, đồng thời nâng cao sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Viên Đình Đại- Trưởng thôn 3 cho biết: Thôn 3 có 300 hộ được chia thành 12 tổ liên gia tự quản, hoạt động đều tay, có nền nếp và đã giúp chính quyền thôn tuyên truyền, đôn đốc nhắc nhở bà con xây dựng nếp sống văn minh đến việc tạo điều kiện giúp nhau làm kinh tế. Cũng nhờ sự hoạt động năng nổ của các tổ liên gia tự quản mà các gia đình trong thôn đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Con cái chăm chỉ học hành, lễ độ với thầy cô, cha mẹ và người lớn. Vợ chồng hầu như không còn to tiếng, cộng đồng trách nhiệm trong nuôi dạy con cái và chăm lo làm giàu chính đáng. Người trong thôn đối xử với nhau có tình nghĩa hơn…
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án, An Phú không phải là không có những tồn tại, khó khăn- ông Nguyễn Bá Duy- Chủ tịch UBND xã An Phú nhìn nhận: Đến nay, một số thành viên trong ban chỉ đạo vẫn chưa thực sự bám nắm địa bàn, hướng dẫn nhân dân thực hiện, do đó ở một vài thôn, hiệu quả thực hiện đề án chưa cao. Vẫn còn tình trạng một số hộ vi phạm về vệ sinh môi trường, còn để nước thải ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường; một số hộ con cái còn có biểu hiện quậy phá, không tuân thủ trật tự an toàn giao thông… Bởi vậy, thời gian tới, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận…, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các đoàn thể, cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư nhằm giáo dục cho toàn dân xây dựng nếp sống văn minh, đồng thời nhân rộng mô hình tổ liên gia tự quản trên địa bàn toàn xã.
Bên cạnh đó, tiếp tục đưa công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở địa bàn vào quy ước, hương ước của các thôn làng, coi đây là một tiêu chí trong việc bình xét thi đua hàng năm, đưa các nội dung của quy ước xây dựng nếp sống văn minh đô thị trở thành tiêu chí bình chọn danh hiệu văn hóa hàng năm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nếp sống văn minh đô thị đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện đề án…”.
Thái Bình – Báo Gia Lai