Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 3/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội Khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ Thành phố rất vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế-xã hội và thu chi ngân sách năm 2022 của cả nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành rất tập trung, quyết liệt để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là những dự án lớn, kéo dài. Các đồng chí lãnh đạo địa phương, các cơ quan Trung ương cũng rất chủ động, kịp thời và sát thực tiễn trong ban hành chủ trương, trong phản ứng chính sách, đặc biệt là trong điều hành.
"Nếu không có sự tập trung quyết liệt này thì chắc chắn các dự án như cao tốc Bắc-Nam, Nhà ga T3-Sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 chưa thể triển khai được như trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho đây là yếu tố rất quan trọng khi tình hình có sự diễn biến mau lẹ, khó lường, đặc biệt là khác xa với đầu năm 2022. Sự linh hoạt và kịp thời điều chỉnh này rất có ý nghĩa", ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo ngưới đứng đầu chính quyền TPHCM, năm 2022, kinh tế-xã hội Thành phố phục hồi mạnh mẽ, đạt được quy mô mà tốc độ như trước khi xảy ra dịch bệnh. GRDP tăng 9,03%; thu ngân sách đóng góp 26,5% trong tổng thu ngân sách của cả nước.
Để đạt được kết quả này, ông Mãi cho biết, cũng như Chính phủ, Thành phố đã tập trung quyết liệt giải quyết những dự án đầu tư, dự án sản xuất vướng mắc kéo dài nhiều năm, từ đó khơi thông nguồn vốn, đặc biệt tạo niềm tin rất lớn cho thị trường, cho xã hội.
Trong đầu tư chuyển đổi số, Thành phố đã đầu tư tập trung, có tính chất nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số. Kinh tế số hiện đóng góp 15,3% GRDP của Thành phố.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, xã hội, hoạt động đối ngoại của TPHCM phục hồi tốt, điều này vừa góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vừa tạo được niềm tin rất lớn, tạo ra năng lượng tích cực trong xã hội về khả năng phục hồi mạnh mẽ của Thành phố, góp phần xây dựng hình ảnh của TPHCM cũng như của đất nước sau đại dịch.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của Thành phố, ông Mãi cho rằng vẫn còn một số vấn đề. Trong đó, việc tiến hành các giải pháp để ổn định thị trường tài chính, bất động sản là rất cần thiết, nhưng cần xây dựng được niềm tin của thị trường bằng những giải pháp cụ thể, thông qua hoạt động truyền thông.
Bên cạnh đó, trong điều hành lãi suất, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Hiện nay, ý kiến của nhiều doanh nghiệp là lãi suất của chúng ta rất cao, ảnh hưởng đến tiếp cận vốn, duy trì sản xuất cũng như mở rộng đầu tư, làm giảm đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài.
Về kế hoạch năm 2023, theo ông Mãi, UBND Thành phố đã tổ chức tổng kết và triển khai kế hoạch năm 2023. Sau Hội nghị này, Thành phố sẽ tiếp thu ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, kết luận của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các giải pháp triển khai trong thời gian sắp tới với tinh thần triển khai ngay từ đầu năm và quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023.
Đặc biệt, trong năm 2023, TPHCM rất vui mừng và cảm ơn Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM. Ngay trong tháng 1 này, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 31, đồng thời triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ KH&ĐT cũng như các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để trình Quốc hội dự kiến tại kỳ họp lần thứ 5 vào tháng 5 tới về cơ chế phát triển TPHCM.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ tình hình khó khăn trong sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…; vừa tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất vừa đảm bảo việc làm, an sinh xã hội.
Phát huy kết quả năm 2022, đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư, các dự án kinh doanh, trong đó có những tồn đọng của TPHCM mà Thành phố đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để khơi thông nguồn vốn, đồng thời tăng niềm tin cho thị trường, xã hội.
Ngoài ra, người đứng đầu UBND Thành phố cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để Thành phố cùng với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành hồ sơ để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để Thành phố triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 24 cũng như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị vừa ban hành.
Vũ Phong