Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, các kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại đã và đang được các bệnh viện trên địa bàn TPHCM chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.
Ngày 25/5 vừa qua, Bệnh viện (BV) Bình Dân TPHCM đánh dấu ca phẫu thuật bằng robot thứ 2.000 sau hơn 6 năm đưa vào ứng dụng. Đây là con số mà nhà sản xuất robot và đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Bắt đầu từ năm 2016, đơn vị triển khai phẫu thuật robot trên người lớn. Từ đó đến nay, phẫu thuật bằng robot được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan, mật, tụy, lồng ngực, các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim, gan, thận, ruột, chi… giúp tối ưu hóa quá trình điều trị.
Cùng với BV Bình Dân, robot phẫu thuật cũng được ứng dụng thành công trong điều trị nhiều chuyên khoa tại BV Chợ Rẫy với hàng trăm trường hợp được phẫu thuật mỗi năm.
Ở lĩnh vực sản phụ khoa, TPHCM được biết đến là "cái nôi" trong điều trị vô sinh hiếm muộn với "lá cờ đầu" là BV Từ Dũ.
Trong khi đó, là BV tuyến cuối của khu vực phía Nam trong lĩnh vực điều trị ung thư, từ nhiều năm nay, BV Ung bướu TPHCM cũng triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu phục vụ người bệnh.
Với lĩnh vực nhi khoa, TPHCM có đến 3 BV nhi hàng đầu khu vực phía nam, đạt nhiều tiếng vang về chuyên môn trong thời gian qua là BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Nhi đồng Thành phố.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, để TPHCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, cần có những chính sách, chiến lược bài bản để ngành y tế Thành phố phát triển đồng bộ, tiến dần đến chuyên sâu, hiện đại, thu hút nhiều hơn người nước ngoài đến khám chữa bệnh.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế mang tính chủ quan ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi Thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN như: Ngôn ngữ giao tiếp của nhân viên y tế thuộc các BV công lập chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cho công tác khám chữa bệnh cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, TPHCM chưa phát huy thế mạnh mô hình viện trường trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới…, làm thế giới thiếu thông tin về sự phát triển của ngành y tế Thành phố.
Ngoài ra, lãnh đạo các BV đầu ngành chưa chú trọng tham gia xếp hạng danh sách các BV chuyên khoa hàng đầu trên thế giới.
Đặc biệt, theo ông Thượng, du lịch y tế chưa được Thành phố chú trọng đúng mức, phát triển còn manh mún.
Người đứng đầu ngành y tế TPHCM cho rằng, có 7 nhóm giải pháp để TPHCM sớm thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, đó là, Thành phố cần hình thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường đại học khối ngành sức khỏe với các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới.
Giải pháp thứ 2, đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên nguồn lực xây dựng mới các BV chuyên khoa đã xuống cấp. Xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, nhà dưỡng lão.
Thứ 3, theo ông Thượng, cần phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Thứ 4, cần cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Thứ 5, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế.
Thứ 6, phát triển du lịch y tế, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Và nhóm giải pháp cuối cùng, đó là xây dựng mạng lớn chăm sóc chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, TPHCM không chỉ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu dân trên địa bàn mà còn tiếp nhận điều trị cho hàng triệu người dân từ các địa phương trong cả nước, kể cả quốc tế.
Năm 2022, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú của Thành phố là 35,3 triệu lượt, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân của cả nước. TPHCM có 22 bệnh viện là tuyến cuối tham gia hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh phía nam. Thành phố cũng là đầu mối quan trọng trong hợp tác và giao lưu y tế quốc tế.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM khẳng định, Thành phố rất tự hào với thành tựu về y tế chuyên sâu thời gian qua. Để đạt được mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khu vực ASEAN, lãnh đạo Thành phố và ngành y tế Thành phố sẽ tập trung đầu tư toàn diện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích các bệnh viện tự đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; hoàn thiện và phát triển chính sách dịch vụ y tế, du lịch y tế; thúc đẩy và có chính sách hỗ trợ để xây dựng BV chuẩn chất lượng quốc tế và sứ mệnh quốc tế.
Ngoài ra, Thành phố sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phục vụ theo hướng chuyên sâu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo y tế.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai chiến lược dữ liệu của Thành phố, trong đó tập trung phát triển kết nối dữ liệu y tế, hướng tới phát triển y tế thông minh. Ban hành chính sách phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, nhất là y tế kỹ thuật cao.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, TPHCM sẽ đề xuất với Bộ Y tế, các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan để hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng về lĩnh vực y tế cả trong chẩn đoán, điều trị, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cho y tế chuyên sâu.
Đặc biệt, Thành phố cũng tập trung hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước về y tế để tạo khung pháp lý, hành chính nhằm phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe trình độ quốc tế theo hướng chuyên sâu.
Anh Thơ