Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhóm trông trẻ tự phát tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, thời gian qua, mặc dù Thành phố đã rất chú trọng đến việc xây dựng và mở rộng thêm nhiều cơ sở trông giữ trẻ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ tăng nhanh của người dân, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, gia đình công nhân ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn Thành phố…
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho thấy, Thành phố hiện có 870 trường mầm non: 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008); Thành phố cũng có trên 1.250 nhóm trẻ gia đình hoạt động có giấy phép (tăng gấp 3,2 lần so với năm 2008).
Chính vì số lượng trường mẫu giáo, mầm non công lập thiếu, học phí của hệ thống trường học tư nhân lại quá cao, thêm cả quy định không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi của nhiều trường, nên đa phần gia đình công nhân nghèo ở các khu công nghiệp, khu chế xuất phải chấp nhận gửi con vào các nhóm trẻ gia đình, dù biết tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chị Trần Thị Kim Hậu (24 tuổi), công nhân Khu công nghiệp Bình Chiểu (quận Thủ Đức) cho biết, lương tháng của cả hai vợ chồng được gần 6 triệu đồng, trong đó tiền ăn, tiền thuê nhà chiếm hơn một nửa. Nếu chị nghỉ ở nhà chăm con, mình chồng chị đi làm chắc chắn không đủ tiền nuôi gia đình. Cực chẳng đã, anh chị phải mang đứa con 8 tháng tuổi đến gửi ở một điểm giữ trẻ gia đình với mức phí 1 triệu đồng/tháng.
Chị Lê Thị Hải Yến (28 tuổi), công nhân Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) lại cho hay, xung quanh khu chị ở có đến 3 nhà trẻ tự phát. Người trông trẻ chủ yếu cũng là những người lao động nghèo, nhận trông trẻ ngay tại phòng trọ với chi phí rẻ, hợp túi tiền của những gia đình công nhân. Chị Yến hiện cũng đang phải gửi con cho một nhóm trẻ tự phát ngay trong khu nhà trọ để có thời gian đi làm.
Trên thực tế, những điểm trông giữ trẻ “chui” phần nào cũng là chỗ bấu víu của nhiều gia đình công nhân ở các Khu công nghiệp, nhất là đối với những người thường xuyên phải làm tăng ca, hoặc hay đi sớm, về muộn. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm trẻ trên đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, diện tích vui chơi… Đặc biệt là nguy cơ xảy ra các hành vi bạo hành đối với trẻ nhỏ do người giữ trẻ không có chuyên môn.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, hoạt động của các nhóm trẻ gia đình ngày càng phát sinh theo nhu cầu của người dân, nhất là con em của công nhân lao động. Việc quản lý những nhóm trẻ tự phát khó khăn là do phần lớn các cơ sở nằm sâu trong ngõ, ngách ở các khu nhà trọ, hoạt động lén lút, quy mô nhỏ lẻ. Những nhóm trẻ này thường hoạt động theo kiểu ông bà trông cháu, tiện thể giữ luôn con… hàng xóm nên rất khó xử phạt.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, trước tình trạng nhiều điểm giữ trẻ tự phát không bảo đảm an toàn nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, từ nay tới giữa tháng 1/2014, Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra lại toàn bộ, nếu phát hiện nhóm, nhà trẻ vi phạm sẽ lập tức tiến hành xử phạt nghiêm khắc và đình chỉ hoạt động.
Bên cạnh đó, để có thể quản lý các điểm trông giữ trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng đã đề xuất giao việc cấp phép hoạt động của các cơ sở mầm non cho Chủ tịch UBND các phường, xã. Nhóm trẻ gia đình cũng phải báo cáo với chính quyền địa phương. Có như vậy, việc quản lý cơ sở mầm non, nhóm trẻ mới được dễ dàng và sát với thực tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng kiến nghị Thành phố tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra, cũng như đôn đốc các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về việc xây dựng trường mầm non, nhà trẻ cho con em người lao động.
Phan Hoàng