Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng 13/1, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TPHCM và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; các địa phương, doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai các chương trình bình ổn thị trường, chương trình xúc tiến thương mại, cung ứng hàng hóa cho các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa.
Tại TPHCM, đây là năm thứ hai Thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường theo Quy chế triển khai Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM, góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá. Tình hình thị trường hàng hóa duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2024 - 2025 tiếp tục mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Riêng đợt tháng 9/2024, nhằm hạn chế tình trạng tăng lương - tăng giá, chương trình đã kịp thời triển khai bán hàng lưu động - bình ổn thị trường với chủ đề "Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương" với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán...; nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.
Báo cáo về việc chuẩn bị hàng hóa Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Ất Tỵ 2025 có sự tham gia của 69 đầu mối chuỗi cung ứng; phần lớn là các doanh nghiệp (DN) quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Đến nay, các DN này đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng trước, trong và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản… Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có).
Bên cạnh bảo đảm nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên Thành phố triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi 9 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Chương trình mở ra cơ hội phát triển thị trường cho sản phẩm có quy trình sản xuất minh bạch, an toàn; đồng thời góp phần ngăn chặn sản phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng Thành phố.
Bên cạnh đó, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương TPHCM sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường.
Về kế hoạch bán hàng phục vụ Tết, ông Phương cho biết, để bảo đảm cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của các DN trên địa bàn Thành phố. Đồng thời lưu ý, Sở Công Thương Thành phố phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường; đẩy mạnh thông tin truyền thông đến người dân nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng đề nghị, Sở Công Thương Thành phố tiếp tục phối hợp với các DN đẩy mạnh thực hiện các chuyến hàng bình ổn lưu động để người lao động, công nhân ở khu vực xa trung tâm dễ dàng mua sắm thuận tiện. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chợ tự phát gần các chợ đầu mối nhằm tránh nguy cơ gây ùn tắc giao thông cũng như nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ Công Thương và đại diện các sở, ngành Thành phố đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, thành phố Thủ Đức, chợ Bến Thành.
Anh Lê