Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Họp báo công bố chương trình “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, ngày 10/8. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM tổ chức với hoạt động tiêu điểm là cuộc đi bộ “Đồng hành vì công lý” với sự tham gia của 1.500 tình nguyện viên gồm đoàn viên thanh niên, sinh viên, hội phụ nữ, y bác sĩ ở các bệnh viện và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của 24 quận-huyện, các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, còn có triển lãm ảnh “Hành trình Cam” tại 3 điểm chính là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP từ ngày 9-15/8.
Cũng trong chương trình, Ban Tổ chức sẽ trao học bổng cho 100 em học sinh tật nguyền. Trao vốn cho một số gia đình nạn nhân chất độc da cam để chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ và 4 nhà tình thương cho các gia đình có nạn nhân da cam.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM cho biết, chương trình sẽ giúp mọi người trong cộng đồng hiểu hơn nỗi đau mà những nạn nhân da cam phải gánh chịu. Đồng thời, qua đó nhằm tuyên truyền những tấm gương vươn lên nỗi đau về thể chất và tinh thần để sống, làm việc và đấu tranh đi tìm công lý cho những nạn nhân khác.
Được biết, TPHCM đã cấp cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TPHCM 4.900 m2 đất tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, điều trị, dạy nghề cho nạn nhân, con em của nạn nhân. Kinh phí xây dựng là 100 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có hơn 20.000 người là nạn nhân da cam trong đó có gần 5.000 cựu chiến binh và thanh niên xung phong. Có 3 huyện trong chiến tranh đã bị rải chất độc da cam trực tiếp là Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh.
Thanh Thủy