• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Trận đánh lịch sử bằng không quân ngay giữa Sài Gòn những ngày tháng 4/1975

(Chinhphu.vn) - Chỉ vỏn vẹn 3,5 ngày ngắn ngủi để huấn luyện chuyển loại máy bay, 18 quả bom đánh trúng mục tiêu đã vẽ nên kỳ tích trên bầu trời Tân Sơn Nhất, những chiến sĩ Phi đội Quyết Thắng đã ghi tên mình vào trang sử bằng trí tuệ, bản lĩnh và máu lửa.

26/04/2025 10:32
Trận đánh lịch sử bằng không quân ngay giữa Sài Gòn những ngày tháng 4/1975 - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ câu chuyện của Phi đội Quyết thắng tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không Không quân - Ảnh: VGP/Văn Hiền

A37 - Bước ngoặt quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Cuối tháng 4/1975, khi cuộc Tổng tấn công lịch sử đang diễn ra quyết liệt và dần tiến đến ngày toàn thắng, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã quyết định huy động lực lượng không quân tham gia các trận đánh then chốt. Đây là bước đi chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong việc kết thúc cuộc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quyết định quan trọng này được giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân, lực lượng chủ lực trong chiến tranh bảo vệ bầu trời.

Sau khi nhận lệnh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho Đại đội 4, Trung đoàn 923 ( đây là trung đoàn tiêm kích thứ hai của Không quân Nhân dân Việt Nam sau Trung đoàn 921) đã nổi lên là một lực lượng tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lục, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Trung đoàn Không quân 923 cho biết, Đại đội 4 vốn đã có bề dày huấn luyện và chiến đấu tại các điểm nóng, được chọn vì khả năng thực hiện những nhiệm vụ đa dạng, từ đánh mục tiêu trên không, mặt đất cho đến mặt biển.

Nhưng lần này, nhiệm vụ đặt ra không chỉ đơn giản là huấn luyện thêm hay chiến đấu trong các tình huống quen thuộc. Đây là một thử thách đặc biệt: Huấn luyện phi công chuyển loại sang máy bay A37, loại máy bay thu được từ quân địch, để tham gia chiến dịch tấn công vào Sài Gòn. Việc sử dụng máy bay địch để tấn công địch đã cho thấy sự táo báo nhưng cũng cực kỳ chính xác và cần thiết trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ: "Các máy bay MiG-17 và MiG-21 mà Quân đội ta đang sử dụng có bán kính hoạt động hạn chế, chỉ khoảng 150 đến 300 km khi mang bom. Trong khi đó, sân bay Phan Rang nơi các phi công phải cất cánh để đánh vào Sài Gòn lại cách mục tiêu gần 400 km. Do đó, việc huấn luyện phi công chuyển sang sử dụng máy bay A37 là lựa chọn duy nhất, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong tình thế cấp bách".

Cơ hội đền đáp những gì Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lục, quá trình huấn luyện chuyển loại không hề đơn giản vì A37 là máy bay do Mỹ sản xuất, trong khi phi công Việt Nam chủ yếu quen với các loại máy bay của Liên Xô. Hai loại máy bay này không chỉ khác biệt về công nghệ mà còn về ngôn ngữ điều khiển: tiếng Nga với MiG và tiếng Anh với A37. Các thiết bị trong buồng lái của A37 cũng hoàn toàn khác biệt, với hàng trăm công tắc và đồng hồ điều khiển mà các phi công phải học thuộc và vận hành thành thạo.

Trận đánh lịch sử bằng không quân ngay giữa Sài Gòn những ngày tháng 4/1975 - Ảnh 2.

Đại tá Nguyễn Văn Lục (thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng đội Phi đội Quyết Thắng trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi nhận nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại máy bay A37, các phi công phải đối mặt với thử thách khổng lồ: Chỉ 3,5 ngày huấn luyện, ít hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn 6 tháng huấn luyện thông thường mà mỗi phi công phải làm quen với một hệ thống máy bay hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường và quyết tâm sắt đá, các phi công của Đại đội 4 đã nỗ lực học từng chi tiết, từ cách điều khiển máy bay đến cách sử dụng các thiết bị điện tử trên máy bay. Họ tâm niệm rằng đây là thời cơ để đền đáp những gì mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã dành cho họ, cái tên Phi đội Quyết thắng cũng từ đó mà ra đời.

"Chúng tôi biết rằng, chỉ có nỗ lực hết sức mình, chúng tôi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó", Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Lục cho biết thêm, theo kế hoạch huấn luyện, mỗi phi công được bay 3 chuyến, mỗi chuyến kéo dài khoảng 30 phút. Máy bay mới, thao tác khó khăn, nhưng tinh thần quyết thắng và ý chí không lùi bước đã thôi thúc họ hoàn thành nhiệm vụ. 

Chiến công vang dội

Mục tiêu tấn công được xác định là sân bay Tân Sơn Nhất và thời điểm vào chiều ngày 28/4/1975.

Trừ hai phi công Nguyễn Thành Trung và Trần Văn On, tất cả thành viên Phi đội Quyết Thắng đều chưa từng tiếp cận địa bàn Sài Gòn hay biết rõ mục tiêu. Nhiệm vụ được triển khai theo phương châm "4 tự": Tự đi, tự tìm, tự đánh, tự về.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa phi công, kỹ thuật, hậu cần và chỉ huy, trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tư lệnh Lê Văn Tri chỉ đạo mục tiêu oanh kích là khu vực để máy bay chiến đấu, kho bom đạn, đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất — nơi phải "nổ liên tiếp để làm rung chuyển Sài Gòn", nhưng đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân thường và hai phái đoàn quân sự ở trại David.

Trận đánh lịch sử bằng không quân ngay giữa Sài Gòn những ngày tháng 4/1975 - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Văn Lục nhìn lại những kỷ niệm hào hùng của Phi đội Quyết Thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Văn Hiền

Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ: "Trận đánh là sự kết hợp của yếu tố bí mật, bất ngờ và thần tốc. Phi đội bay thấp để tránh radar, lợi dụng đường bay quen thuộc của địch từ Phan Rang qua Vũng Tàu rồi vòng vào Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung bay dẫn đầu, các phi công còn lại giữ đội hình, cự ly nghiêm ngặt, vừa có công kích, vừa có yểm hộ".

Khoảng 40 phút sau khi cất cánh, phi đội tiếp cận mục tiêu. Những quả bom đầu tiên dội xuống Tân Sơn Nhất, làm rung chuyển cả Sài Gòn. Đài chỉ huy địch hoảng loạn phát tín hiệu cầu cứu, không quân đối phương trở tay không kịp, cao xạ bị động hoàn toàn, 18 quả bom đánh trúng đích, tiêu diệt 24 máy bay và hàng trăm sinh lực địch. 

Hoàn thành nhiệm vụ, phi đội rút lui theo đường thẳng về Phan Rang để đảm bảo an toàn và tiết kiệm nhiên liệu. Khi hạ cánh, toàn bộ lực lượng vỡ òa trong cảm xúc và niềm tự hào khôn xiết. 

"Tiếng bom nổ trên sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ phá hủy mục tiêu, mà còn làm chấn động tâm lý của địch, khiến chúng hoảng loạn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến vào Sài Gòn nhanh hơn, hạn chế thương vong ở mức thấp nhất", Đại tá Nguyễn Văn Lục nói.

Trận oanh kích vào sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là một chiến thắng của Phi đội Quyết Thắng, mà còn minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Không quân Nhân dân Việt Nam trong suốt 10 năm chiến đấu từ năm 1965 đến 1975.

"Nếu như năm 1965, chúng ta chiến đấu để bảo vệ bầu trời, thì đến 1975, chúng ta đã tấn công trực diện vào sào huyệt của địch. Đó là một bước ngoặt, một chiến công không chỉ của Phi đội Quyết Thắng, mà còn của toàn quân và nhân dân Việt Nam", Đại tá Nguyễn Văn Lục nói.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ném bom, vào ngày 15/5/1975, Phi đội Quyết thắng cơ động vào sân bay Biên Hòa, chuẩn bị cho lễ diễu binh mừng ngày đất nước thống nhất tại Hội trường Thống Nhất. Kết thúc nhiệm vụ diễu binh, phi đội được chuyển về sân bay Cần Thơ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, giải phóng các đảo ở phía nam và tây nam của Tổ quốc.

Sau 50 năm đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Văn Lục bồi hồi và xúc động chia sẻ: "Chúng tôi, những chiến sĩ Phi đội Quyết Thắng vinh dự và tự hào khi đã góp phần nhỏ bé vào Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975. Đó là chiến thắng của cả dân tộc, khẳng định sức mạnh đoàn kết và ý chí kiên cường. Tôi tin rằng chiến thắng này sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, là biểu tượng của lòng kiên trung và quyết tâm, để chúng ta không phải đổ máu, hy sinh vì những cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai".

Văn Hiền - Minh Thư