Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên bố trí phân bổ vốn đối ứng, rà soát điều chỉnh quy mô dự án trong nguồn vốn để triển khai dự án đúng hạn.
Đối với các dự án tăng vốn theo hình thức tài trợ bổ sung như Dự án phát triển giao thông ĐBSCL, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cần tập trung bố trí nguồn và chỉ đạo thực hiện dự án đúng hạn, tránh phải hủy vốn.
Một số nhà tài trợ thậm chí đề nghị ngành giao thông xem xét việc tái cấu trúc dự án, thu hẹp quy mô để tập trung hoàn thành dứt điểm các hạng mục, công việc đang thực hiện.
Một yêu cầu khác cũng được đề cập là đối với dự án, hạng mục quá chậm thì có thể đánh giá lại năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiên quyết xử lý, xem xét điều tiết vốn cho dự án ưu tiên khác.
Đợt rà soát 10 dự án ODA quy mô lớn, có tính cấp bách mới đây với tổng vốn khoảng 3,35 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tình trạng chậm tiến độ phổ biến do các dự án đều có thời gian khởi động chậm, năng lực quản lý hợp đồng của chủ dự án chưa đạt yêu cầu, một số báo cáo khả thi và các văn kiện dự án không đạt chất lượng. Tình trạng giải ngân các dự án hiện đang chỉ đạt từ 3-8% kế hoạch.
Những dự án được điểm tên bao gồm: Dự án phát triển giao thông ĐBSCL; Dự án phát triển giao thông đồng bằng Bắc bộ; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Nội Bài – Lào Cai, Bến Lức – Long Thành, giao thông đô thị TP Hà Nội; giao thông đô thị TP Hải Phòng; tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; tuyến tàu điện ngầm TP Hà Nội (tuyến 3), TPHCM (tuyến 2)…
Nguyên Linh