• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Triển khai các giải pháp chống suy giảm rừng đặc dụng

(Chinhphu.vn) – Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam về các chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng đang được triển khai thực hiện từ cuối tháng 7 vừa qua.

13/08/2012 17:45

Tiến sĩ Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn

PV: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 có hiệu lực từ 20/7/2012. Ông có thể cho biết ý nghĩa của Quyết định này trong tình hình hiện nay, khi diện tích rừng đặc dụng đã giảm đáng kể mà một phần nguyên nhân là do phá rừng, khai thác lâm sản trái phép?

Ông Trần Thế Liên: Việt Nam hiện có trên 13 triệu ha rừng, trong đó có khoảng 2,2 triệu ha rừng đặc dụng, với 164 khu rừng đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng bao gồm cả trên cạn, đất ngập nước và trên biển. Mục đích chính của khu rừng đặc dụng là bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử môi trường.

Các khu rừng đặc dụng đã phát huy tốt vai trò bảo vệ đa dạng sinh học, có tác động tích cực đối với các ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch, thủy điện, công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia và địa phương ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên, hệ thống rừng đặc dụng đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học; đầu tư cho các khu rừng đặc dụng còn thấp, địa phương có nhiều rừng đặc dụng đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng tại quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bảo tồn phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng đặc dụng mà còn góp phần tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo thông qua các hoạt động đồng quản lý và sử dụng hợp lý các giá trị dịch vụ môi trường rừng, thu hút người dân địa phương sinh sống trong và vùng đệm các khu rừng đặc dụng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên.

PV: Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật trong chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg?

ÔngTrần Thế Liên: Những điểm mới nổi bật trong chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của TTCP bao gồm 3 nội dung quan trọng.

Thứ nhất, nhà nước đảm bảo kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng đặc dụng. Hàng năm Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng để Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động tổ chức khoán, hợp đồng với cộng đồng dân cư về phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng; Ngân sách nhà nước cấp cho bảo vệ rừng với mức 100.000 đồng/ha/năm.

Thứ hai, nhà nước hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn bản vùng đệm để đồng quản lý rừng đặc dụng mỗi năm 40 triệu đồng/thôn bản nhằm giúp thôn bản đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hoá..).

Thứ ba, thí điểm đổi mới bộ phận kinh doanh du lịch sinh thái hạch toán phụ thuộc của ban quản lý rừng đặc dụng để thành lập công ty cổ phần đối với những Ban quản lý rừng đặc dụng có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.

Du lịch sinh thái nếu được quản lý tốt, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ rừng

PV: Như vậy thí điểm đổi mới bộ phận kinh doanh du lịch sinh thái là một trong những chính sách mới nhằm đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Xin ông cho biết cụ thể hơn về việc thí điểm này?

Ông Trần Thế Liên: Thí điểm tách bộ phận kinh doanh du lịch sinh thái của ban quản lý rừng đặc dụng hiện nay từ hình thức sự nghiệp có thu sang mô hình công ty cổ phần, Nhà nước giữ cổ phần chi phối 51% nhằm tách kinh doanh ra khỏi bảo vệ rừng, tạo động lực pháp lý mới cho việc phát triển du lịch sinh thái, tạo nguồn thu cho ban quản lý rừng đặc dụng nâng cao mức sống của người bảo vệ rừng, gắn bảo tồn với phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn một vườn quốc gia trực thuộc Bộ và một vườn quốc gia trực thuộc địa phương để chỉ đạo thực hiện thí điểm, lập công ty cổ phần theo quy định.

PV: Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng theo quy hoạch được duyệt. Ông có thể cho biết hiện nay có bao nhiêu diện tích rừng đặc dụng được sử dụng cho du lịch sinh thái, hình thức và hiệu quả của hoạt động này như thế nào?

Ông Trần Thế Liên: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng bản địa.

Du lịch sinh thái nếu được quản lý tốt, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng.

Hiện nay, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang chỉ đạo, triển khai xây dựng và phê duyệt báo cáo quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng đặc dụng đến năm 2020, trong đó các Vườn quốc gia và một số khu bảo tồn thiên nhiên đã bước đầu triển khai hoạt động phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là các Vườn quốc gia được công nhận là khu di sản thiên nhiên ở khu vực và thế giới như Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên, Cát Bà,...nơi bảo tồn nhiều hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao, đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Các khu rừng đặc dụng được phê duyệt quy hoạch bảo tồn đều dành diện tích cho phát triển du lịch sinh thái, riêng 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (gồm Bạch Mã, Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Yokdon, Cát Tiên) đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích là 288.791,65 ha, trong đó quy hoạch cho phát triển du lịch sinh thái với diện tích trên 14.000 ha, chiếm 5% tổng diện tích tự nhiên của 6 Vườn quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Thu Huyền - Minh Diễm thực hiện

Tin liên quan: 

Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng