Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đây là một trong những nội dung tại văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai thực hiện Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 4/5/2013.
Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương tổ chức điều tra đến tận hộ gia đình để thống kê chính xác số người mù chữ trong độ tuổi từ 15-60, phân nhóm theo địa bàn, dân tộc, giới tính... để phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các đoàn thể, tổ chức, cá nhân tham gia vận động các đoàn viên, hội viên chưa biết chữ ra lớp học xóa mù chữ; tham gia tổ chức lớp học và trực tiếp dạy xóa mù chữ.
Cùng với việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ (lớp 1, 2, 3), tích cực mở các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (lớp 4, 5) để củng cố bền vững kết quả biết chữ, duy trì và từng bước nâng cao chuẩn biết chữ đối với cá nhân.
14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có tỷ lệ người mù chữ cao gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Yên Bái, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bắc Kạn. |
Đối với 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có tỷ lệ người mù chữ cao, các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, cần nghiên cứu các giải pháp đặc thù như: tăng cường công tác tuyên truyền; mở rộng nhiều hình thức học xóa mù chữ phù hợp tập quán sinh hoạt của người dân tộc; tổ chức các lớp học xóa mù chữ đến tận địa bàn dân cư; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong việc vận động người mù chữ ra lớp học; tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng chính sách của địa phương hỗ trợ người học xóa mù chữ ...
Bộ cũng yêu cầu, hằng năm, các tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thanh Trúc