Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/ Lê Sơn |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Để việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được kịp thời, hiệu quả, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mục đích của việc ban hành kế hoạch triển khai, thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là để tổ chức tốt việc triển khai thi hành luật trên phạm vi toàn quốc; làm tốt công tác tập huấn cũng như bồi dưỡng cho đội ngũ người làm công tác xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, kịp thời. Tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng đề nghị phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp liên tục, chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thi hành Luật; phát huy trách nhiệm, tính chủ động, tích cực; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời, giải quyết khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có một số điểm mới cơ bản, như: Sửa đổi, bổ sung một số quy định chung về tái phạm, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng, điều kiện, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính…
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng được nghe giới thiệu Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quán triệt một số vấn đề về triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Đây là đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, vì thế cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để luật phát huy tác dụng khi đi vào đời sống.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, tập trung vào 3 chính sách lớn. Đó là, hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xử phạt vi phạm hành chính; hoàn thiện các quy định pháp luật về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ, ngành địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện Luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính với một số nhiệm vụ như: Chú trọng hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành triển khai thi hành Luật; tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật ở Trung ương và địa phương; rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Lê Sơn