Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm đất đai
Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến ngày 30/11/ 2010, ngành Thanh tra TP.HCM đã tổ chức thực hiện 533 cuộc thanh tra, kiểm tra nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện sai phạm về kinh tế 756 tỷ đồng, 2.074.343m2 đất, 944 căn nhà, 466 lượng vàng; kiến nghị thu hồi 656 tỷ đồng, 998.292m2 đất, 10 căn nhà, 1.520m2 kho bãi và 450 lượng vàng. Đã thu hồi về cho ngân sách Nhà nước trên 176 tỷ đồng, 105.896m2 đất, 02 căn nhà, 1.520m2 kho bãi, xử lý hành chính, xử lý kỷ luật trên 500 trường hợp; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, khởi tố 13 vụ việc.
Qua công tác thanh tra, nhận thấy các dạng sai phạm chủ yếu là chuyển nhượng đất trái pháp luật, trong đó một số trường hợp đất có nguồn gốc là đất công; sử dụng đất không đúng mục đích hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ đầu tư được giao đất nhưng chậm triển khai hoặc đầu tư xây dựng khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất của cấp có thẩm quyền; bao chiếm, lấn chiếm đất công, san lấp xây dựng công trình, xây dựng nhà ở trái pháp luật; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền làm phá vỡ quy hoạch; chủ đầu tư không tuân thủ các quy định của Nhà nước trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; một số trường hợp giao đất, cho thuê đất vượt thẩm quyền, không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi có nhiều sai phạm….
Từ năm 2004 đến nay, tình hình khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai của công dân tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp. Tổng cộng toàn thành phố đã tiếp nhận gần 40.000 đơn, trong đó có đến hơn 9.000 đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết. Nhiều vụ việc công dân tập trung khiếu nại đông người gây ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội. Nhiều vụ khiếu nại đã được các cơ quan Nhà nước giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn không chấp nhận và tiếp tục khiếu nại, dẫn đến vụ việc kéo dài, không dứt điểm.
Về nội dung khiếu nại, phần lớn các vụ việc khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình cơ sở hạ tầng (chủ yếu là đòi nâng giá bồi thường đất đai bị thu hồi, bồi hoàn thành quả lao động trên đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư); khiếu nại đòi lại đất cũ trước đây đưa vào tập đoàn sản xuất, nông lâm trường; khiếu nại đòi lại đất trước đây cho mượn, cho thuê; khiếu nại tranh chấp đất đai trong nhân dân; khiếu nại đòi lại nhà cửa, tài sản thuộc diện vắng chủ, diện cải tạo do Nhà nước quản lý trước đây…
Qua phân tích kết quả giải quyết nhận thấy: hầu hết các trường hợp khiếu nại đòi lại đất, khiếu nại về việc thu hồi đất đều không có cơ sở giải quyết; có khoảng 5% trường hợp khiếu nại, tranh chấp có kết quả giải quyết lần hai của UBND thành phố sửa đổi quyết định của quận, huyện. Điều này thể hiện chất lượng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng cao (do thực hiện tốt chế độ tiếp công dân, lắng nghe và giải thích hướng dẫn chi tiết cho người dân cũng như sự tăng cường công tác tiếp dân và đối thoại của lãnh đạo).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại: Nhiều trường hợp chưa đảm bảo đúng thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định, do số lượng hồ sơ nhiều, phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ thụ lý hạn chế. Ngoài ra, việc thu thập chứng cứ cũng mất rất nhiều thời gian làm tiến độ giải quyết bị kéo dài; một số trường hợp còn xác định chưa đúng thẩm quyền giải quyết.
Một số vướng mắc
Qua thục tiễn thanh tra kiểm tra về đất đai nhận thấy: có nhiều trường hợp vi phạm rất rõ, có đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm và xử lý thu hồi đất mà không cần phải tiến hành thanh tra. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 132 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP quy định thủ tục thu hồi đối với đất do vi phạm phải có kết luận của thanh tra nên đã kéo dài thời gian xử lý.
Ngoài ra, một số quy định của Luật Đất đai 2003 về giải quyết tranh chấp khiếu nại chưa phù hợp, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo với các luật liên quan. Cụ thể:
Về thẩm quyền giải tranh chấp đất giữa UBND và Tòa án nhân dân: Khoản 1 điều 136 Luật Đất đai 2003 quy định: tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Quy định trên không xác định cụ thể đương sự là bên khởi kiện hay bên bị kiện. Do đó, trong thực tế đã có sự hiểu khác nhau về quy định này, cụ thể: có quan điểm cho rằng chỉ cần người khởi kiện có các giấy tờ theo quy định thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án; có quan điểm cho rằng người đang sử dụng có các giấy tờ theo quy định thì mới thuộc thẩm quyền của tòa án.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp và giải quyết khiếu nại: Luật Đất đai năm 2003 có quy định riêng đối với giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai (giải quyết tranh chấp quy định tại điều 135, điều 136; giải quyết khiếu nại quy định tại điều 138). Nội dung quy định của hai loại giải quyết này tại các điều luật trên có một số nội dung khác nhau: Điển hình là sự khác nhau về thẩm quyền giải quyết tiếp theo đối với quyết định giải quyết lần đầu của Ủy ban nhân dân thành phố. Nếu tranh chấp thì thẩm quyền thuộc Bộ, nếu khiếu nại thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp việc xác định chính xác tranh chấp hay khiếu nại là rất khó khăn, do trong luật chưa có quy định tiêu chí phân loại cụ thể và trong thực tế các vụ việc thường có sự đan xen giữa các loại mà không thể có sự tách bạch rõ ràng (ví dụ: trường hợp đất thuộc khu vực quân sự chế độ cũ, đơn vị quân đội tiếp quản sau đó giao đất cho gia đình bộ đội cất nhà ở, nay chủ cũ đòi lại đất thì thuộc diện tranh chấp với gia đình bộ đội đang sử dụng hay khiếu nại việc Nhà nước giao đất).
Giữa quy định về giải quyết khiếu nại tại điều 138 Luật Đất đai năm 2003 và Luật khiếu nại, tố cáo được sửa đổi bổ sung năm 2005 (điều 39, điều 46) cũng có xung đột, cụ thể: Đối với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thành phố đối với vụ việc đã được Ủy ban nhân dân quận (huyện) giải quyết lần đầu. Luật Đất đai xác định đây là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành, trong khi Luật Khiếu nại, tố cáo quy định là quyết định giải quyết lần hai và có quyến tiếp tục khởi kiện tại Tòa án. Thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp Tòa án căn cứ Luật Đất đai để từ chối thụ lý vụ việc.
Về hòa giải của UBND xã, phường đối với các vụ tranh chấp đất đai: Luật Đất đai 2003 chưa quy định thời điểm có hiệu lực của kết quả hòa giải thành, dẫn đến thực tế có nhiều trường hợp hòa giải thành nhưng sau đó một thời gian các bên thay đổi ý kiến. Hiện nay, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định cụ thể về thời gian bao nhiêu ngày kể từ ngày hòa giải không thành mà các bên tranh chấp phải nộp đơn đến Tòa án nhân dân hoặc UBND để được xem xét, giải quyết. Thực tế này đã dẫn đến trường hợp một bên cố tình không nộp đơn tranh chấp đất nhằm cản trở việc thực hiện quyền sử dụng đất của bên còn lại (do đất vẫn bị xem là đang tranh chấp).
NguyễnThanh (tổng hợp)