Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngay từ đầu năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đại diện Bộ KH&CN cho biết, năm nay, Bộ đã nhanh chóng đề ra chương trình hành động, trong đó gắn kết các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2025 với các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Bộ KH&CN đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 54 nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, phân rõ lãnh đạo phụ trách, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, kết quả đạt được và thời gian hoàn thành.
Đặc biệt, Bộ KH&CN xác định đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá". Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật KHCN và đổi mới sáng tạo; tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ xem xét quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 Dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật KHCN và đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Cùng với đó, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù về KHCN và đổi mới sáng tạo; góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển.
Đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển tổ chức KH&CN công lập; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả thị trường KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN.
Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật KHCN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Đặc biệt là hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy...
Bộ KH&CN cũng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Đồng thời, nâng cao tiềm lực KH&CN, tập trung triển khai các hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển xanh, chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch và chuyển đổi số; tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030...
Đối với việc triển khai Nghị quyết 02, Bộ KH&CN sẽ tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO. Duy trì thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số GII năm 2025...
Trước đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 (năm 2024), tăng 2 bậc so với năm 2023, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ KH&CN quyết tâm thực hiện nghiêm túc chủ đề điều hành của năm do Chính phủ đề ra là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá". Việc đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2025 sẽ là nền tảng quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Hoàng Giang