Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Lấy mẫu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc phòng, chống ngộ độc thực phẩm mùa hè. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm; trong đó, chú ý hướng dẫn người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn, cương quyết không sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như: Cá Nóc, So biển…
Đồng thời, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm và “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)”. Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án, kế hoạch cấp cứu ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở y tế; đặc biệt cần có những giải pháp, phương án cụ thể khi có các vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tăng cường các hoạt động đảm bảo VSATTP. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể... được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ý thức người dân vẫn là quan trọng nhất.
Cùng với công tác tuyên truyền, năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai quyết liệt. Tính từ ngày 26/4 đến 7/5, đoàn kiểm tra VSATTP tỉnh đã kiểm tra 98 cơ sở. Qua đó, đoàn đã phát hiện, lập biên bản xử lý 23 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP với số tiền 89 triệu đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo VSATTP. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, không lưu mẫu thức ăn, sử dụng dụng cụ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không khám sức khỏe định kỳ cho chủ và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm… Kết quả kiểm tra, chưa phát hiện các chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm.
Hiện đoàn kiểm tra của các huyện cũng đang tích cực kiểm tra, giám sát với tinh thần kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh các cơ sở vi phạm hướng đến việc tuân thủ Luật An toàn thực phẩm trong kinh doanh, chế biến thực phẩm. Điều mừng là từ trước tết đến nay, Hà Tĩnh không xảy ra vụ ngộ độ thực phẩm nào.
Qua thống kê của Chi cục VSATTP tỉnh Sơn La từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 người mắc, 28 người phải nhập viện điều trị. Trong đó 02 vụ tại bếp ăn gia đình, 01 vụ tại bếp ăn tập thể trường Trung học cơ sở bán trú Lóng Sập, bản Phát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu qua kết quả điều tra khắc phục ngộ độc, nguyên nhân gây ngộ độc theo kết luận sơ bộ là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật trong quá trình sơ chế và chế biến.
Mùa hè đến, khí hậu đặc thù của khu vực Tây Bắc là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, mùa của nấm và măng. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa Hè, Sở Y tế Sơn La đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố phối hợp tăng cường công tác chỉ đạo đối với các trường có tổ chức bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống trong trường về trách nhiệm của Ban giám hiệu, của mỗi học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong việc thực hiện theo các quy định hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm tham gia cung ứng các dịch vụ ăn uống, giải khát trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong mùa Hè, tập trung vào các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, kem, bia, nước đá tại khu du lịch, lễ hội, các đám hiếu, hỉ có tổ chức ăn uống đông người…
Sở Y tế Sơn La yêu cầu bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện cần chủ động phối hợp với Trung tâm y tế huyện, thành phố xây dựng phương án khắc phục ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm. Sẵn sàng xử lý nhanh, có hiệu quả các sự cố an toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thực phẩm đông người và các trường hợp ngộ độc nấm tại địa phương.
Thùy Trang