Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hướng dẫn và tư vấn cho phụ huynh trước khi tiêm cho trẻ. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Vì sao Bộ Y tế lại triển khai chiến dịch tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Sởi là một bệnh bùng phát rất nhanh và hầu như những ai chưa tiêm vaccine hoặc chưa mắc bệnh đều có khả năng mắc sởi. Bên cạnh đó, bệnh sởi có những biến chứng bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, mù loà, thậm chí có thể tử vong.
Hiện nay, vaccine sởi đã được đưa vào Chương trình TCMR ở nước ta. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tới năm 2017 loại trừ được bệnh sởi, ngoài Chương trình TCMR thường xuyên, rất cần tổ chức những chiến dịch tiêm chủng quy mô như thế này để tạo miễn dịch lớn trong cộng đồng, từ đó sẽ đạt tỷ lệ cao trẻ em giảm mắc sởi.
Đối với rubela, mặc dù ở trẻ em bệnh thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng bệnh lại rất nguy hiểm đối với người mang thai. Nếu phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non; trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển... thậm chí đa dị tật).
Bệnh sởi và rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vaccine sởi, rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh 2 bệnh này.
Chính vì vậy, chiến dịch này sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trong tương lai.
Có phải do tỷ lệ tiêm vaccine sởi, rubella ở nước ta hiện nay quá thấp nên mới có chiến dịch này không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đối với bệnh sởi, nước ta đã triển khai tiêm cho trẻ, nhưng tỷ lệ chỉ đạt trên 90% mỗi năm. Như vậy, mỗi năm vẫn có khoảng 10% trẻ không được tiêm. Kể cả những trẻ được tiêm 1 mũi cũng chỉ đạt hiệu quả 80-85%.
Sau một số năm cộng dồn, có khả năng một số lượng cộng đồng đủ lớn không có hoặc không đủ miễn dịch, nên bùng phát thành dịch.
Do đó, tiêm vaccine sởi lần này để bao phủ toàn bộ những đối tượng chưa được tiêm và đối tượng chưa mắc bệnh sởi.
Đối với bệnh rubella, nước ta chưa đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, mà đây là vaccine dịch vụ. Số người tiêm dịch vụ vaccine này rất ít, chỉ chiếm 10%.
Vì vậy, chiến dịch lần này là rất cần thiết trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng.
Vì sao 2 vaccine này lại được tiêm kết hợp được với nhau, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong nghiên cứu của WHO, việc phối hợp giữa vaccine sởi và rubela là kết hợp rất tốt, vì đối tượng tiêm 2 vaccine này giống nhau, các độ tuổi tiêm giống nhau và là những bệnh có các triệu chứng tương đối giống nhau.
Để chiến dịch triển khai đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ cao trẻ được tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella, công tác chuẩn bị của Bộ Y tế đã được thực hiện như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây là vấn đề rất quan trọng và chúng tôi đã xin phép Chính phủ giao UBND các tỉnh cùng phối hợp chỉ đạo chiến dịch này, đồng thời huy động tất cả các ban, ngành khác tại địa phương đó cùng tham gia.
Bộ Y tế cũng đã làm việc với Bộ GDĐT, Bộ TTTT, Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp tổ chức tiêm, kết hợp quân dân y trong tiêm chủng cho trẻ ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn trong việc vận động trẻ đi tiêm chủng, hoặc tại những địa phương có các cơ sở y tế chưa đủ mạnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện đảm bảo an toàn cả một hệ thống dây chuyền lạnh, dụng cụ tiêm chủng và hệ thống cung cấp vaccine đầy đủ, tập huấn nhân lực trong các khâu tiêm chủng, nhất là khâu khám và sàng lọc.
Xác định đây công tác chuẩn bị là khâu rất quan trọng trong chiến dịch, nên chúng tôi đã đặt ra vấn đề về kiểm tra giám sát. Theo đó, địa phương nào chuẩn bị tốt mới được triển khai, chứ không triển khai ồ ạt.
Cho đến nay, Bộ Y tế cũng đã tập huấn công tác tiêm chủng cho tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuần tới, Bộ sẽ tập trung tập huấn cho ngành Giáo dục để cùng triển khai, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra giám sát chuyên ngành.
Xin cảm ơn ông!
Khoảng 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi sẽ được tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella trong chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta.
Dự kiến, chiến dịch này sẽ được thực hiện từ tháng 9/2014 đến năm 2015. Trước mắt, việc tiêm miễn phí vaccine sẽ triển khai tại một số tỉnh thí điểm để rút kinh nghiệm về công tác tổ chức tại các địa phương trên cả nước. Hiện nay, 5 triệu liều vaccine cho chiến dịch đã về Việt Nam và đã được kiểm định xong. Vaccine sử dụng trong chiến dịch này là của Ấn Độ. Chất lượng của vaccine đã được khẳng định trên thế giới với việc đã có 39 quốc gia trên thế giới sử dụng vaccine này và đã được thử nghiệm lâm sàng tại nước ta. Chiến dịch lần này do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) viện trợ với hơn 34 triệu USD. |
Thúy Hà (thực hiện)