Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Ngày 15/5, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về "chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết ở khu vực phía Nam.
Nghị quyết số 48 là văn kiện của Đảng định hướng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH, thời kỳ quá độ lên CNXH.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác lập pháp của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ và chuyển biến cơ bản; hệ thống pháp luật Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Cùng với những chuyển biến tích cực trong hoạt động xây dựng pháp luật, công tác thi hành pháp luật cũng được quan tâm và chú trọng hơn; công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được triển khai khá đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật được tiến hành thường xuyên, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm.
Tuy nhiên, nhìn chung, hệ thống pháp luật của nước ta vẫn còn những bất cập, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Quy trình xây dựng pháp luật còn rườm rà, chậm đổi mới; trong một số lĩnh vực, ý thức chấp hành pháp luật và việc thực thi pháp luật còn chưa nghiêm, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh (Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW), tổng kết thực hiện Nghị quyết 48 nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam 10 năm qua với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phát huy vai trò của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến, quán triệt nội dung Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 24/3/2015 do Ban Chỉ đạo tổng kết ban hành.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để thảo luận những vấn đề quan trọng, đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể về nội dung, biện pháp triển khai thực hiện Kế hoạch.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị các đại biểu tập trung tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quyết liệt việc tổng kết Nghị quyết 48 theo sát mục tiêu, yêu cầu và các nội dung đã nêu trong Kế hoạch, bảo đảm hoàn thành Báo cáo tổng kết đúng tiến độ với chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này của Bộ Chính trị; đề xuất, kiến nghị bổ sung nội dung, giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, nhằm chuyển từ xây dựng sang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng XII, gắn liền với cải cách mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước theo các nguyên tắc đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013.
Mạnh Hùng