Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Phạm Quốc Tuấn (phamtuan010568@...) phản ánh: Sau khi bà ngoại ông Tuấn chết, ông ngoại ông Tuấn kết hôn lần 2. Con riêng của người vợ thứ hai này đã hy sinh năm 1968 và được công nhận là liệt sĩ. Năm 1998, vợ thứ hai của ông ngoại ông Tuấn được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Khi ông ngoại và vợ thứ hai của ông ngoại chết, mẹ đẻ ông Tuấn được hưởng chế độ của Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hưởng tiền thờ cúng liệt sĩ. Ông Tuấn hỏi, trường hợp mẹ đẻ của ông chết thì chế độ thờ cúng liệt sĩ được thực hiện như thế nào?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp của ông Tuấn như sau:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 thì thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp "Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ" bao gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ
- Vợ hoặc chồng
- Con
- Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.
Điểm d, khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh này, đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2012, quy định, liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng (bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng) thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần.
Cụ thể vấn đề ông Phạm Quốc Tuấn hỏi, liệt sĩ là con riêng của người vợ thứ hai của ông ngoại ông Tuấn. Khi ông ngoại ông Tuấn và người vợ thứ hai chết, mẹ ông Tuấn (con riêng của ông ngoại ông Tuấn) được giao thờ cúng liệt sĩ.
Theo thủ tục hành chính đề nghị trợ cấp cho người được giao thờ cúng liệt sĩ hiện nay, thì khi mẹ ông Tuấn (là người đang thờ cúng liệt sĩ) chết, mà liệt sĩ không còn thân nhân khác như cha đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ liệt sĩ hoặc con liệt sĩ thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất của liệt sĩ hàng tháng, thì anh, chị, em ruột của liệt sĩ (trường hợp còn anh, chị, em ruột) hoặc đại diện họ tộc của liệt sĩ (trường hợp không còn anh, chị, em ruột) họp, lập biên bản thống nhất cử người đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ, trong biên bản đó ghi rõ số bằng Tổ quốc ghi công, số và ngày tháng năm quyết định. Người được cử đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị hưởng chế độ trợ cấp.
UBND cấp xã sau khi kiểm tra, xác minh đơn đề nghị và biên bản họp anh, chị, em ruột hoặc họ tộc, ghi đầy đủ các yếu tố vào giấy chứng nhận người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Trường hợp không có số bằng, số và ngày tháng năm quyết định thì phải ghi rõ lý do trước khi chuyển hồ sơ người đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội sau khi kiểm tra, lập danh sách trình UBND phê duyệt, sau đó gửi danh sách kèm hồ sơ về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ quyết định trợ cấp cho người đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin, bài liên quan:
Giải đáp về chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ