Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vốn FDI vào nhiệt điện than tăng mạnh
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đến năm 2025 nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than và đến năm 2030 tỉ lệ này vẫn là 53,2%.
Chính vì thế, nhiệt điện than là nơi đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, điểm đáng chú ý trong thu hút FDI từ đầu năm đến nay là vốn FDI vào nhiệt điện than tăng mạnh, chỉ sau công nghiệp chế biến, trong đó có 2 dự án tỷ USD đã được cấp phép. Đó là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore.
Bên cạnh đó là một loạt các dự án nhiệt điện khác cũng đang được các tập đoàn nước ngoài nghiên cứu như: Dung Quất, Long An 1 và Long An 2, Quỳnh Lưu, Sóc Trăng.
Không phải đến bây giờ nhiệt điện mới hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài, trước đó nước ta cũng đã cấp phép một loạt dự án lớn như nhiệt điện Mông Dương 2, Hải Dương, Duyên Hải 2 và Vĩnh Tân 1…
Một nghiên cứu của Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cũng chỉ ra hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030.
Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại ĐBSCL, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18.000 MW. Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này.
Chính vì những hệ lụy do nhiệt điện than gây ra, Bộ Công Thương đã công bố “danh sách đen” hàng loạt dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gồm: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh…
Tình trạng phát thải khói bụi xỉ tro từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực, hay mới đây là câu chuyện “nhận chìm” 1 triệu m3 bùn thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1… cũng đang là lời cảnh báo từ môi trường.
Sản xuất gạch bằng tro, xỉ thải: Được hay không được?
Theo ông Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch ra đời và nếu lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 sẽ có 61 triệu tấn tro xỉ thải ra môi trường, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.
“Đất nước sẽ phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế”, ông Đào Danh Tùng cho biết.
Mặc dù việc sử dụng tro, xỉ than làm vật liệu xây dựng đã được các nhà máy nhiệt điện nhiều lần đề xuất, song số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, lượng tro, xỉ được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Thực tế, tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hằng năm.
Ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, xét về thành phần hoá học, tro xỉ từ đốt than gồm chủ yếu là các ô xit kim loại như silic, nhôm, titan.... đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng; các kim loại nặng như thuỷ ngân, chì... hầu như không có. Vì vậy, cần phân tích để khẳng định nếu trong tro xỉ không có các nguyên tố kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì thì cần coi tro xỉ là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng, không phải chất thải độc hại.
Thậm chí, ông Nghĩa còn đề xuất cấm sản xuất gạch nung để tiêu thụ tro, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện.
“Chúng tôi tin rằng khi Chính phủ có lệnh cấm sản xuất gạch nung thì tro xỉ của các nhà máy điện sẽ được tận dụng hết như các nước khác trên thế giới. Nếu tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng hết làm vật liệu xây dựng thì bài toán về tro xỉ đối với môi trường sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề chỉ còn là chính sách ở tầm vĩ mô”, ông Nghĩa nói.
Đổi mới công nghệ
Theo ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam, một trong những hàng rào để ngăn chặn những dự án nhiệt điện than công nghệ thấp là phải thẩm định các dự án, gồm: Thẩm định khi lập dự án đầu tư và thẩm định về đấu thầu để lựa chọn những nhà máy nhiệt điện than có công nghệ cao, gây ô nhiễm thấp, tránh tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, đặc biệt là công nghệ các nước thải ra, vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện và bổ sung chặt chẽ trong việc cấp phép xây dựng, vận hành các nhà máy nhiệt điện than, đưa ra yêu cầu bắt buộc các dự án phải có công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu về phát thải môi trường phải được tuân thủ.
Cùng quan điểm này, khi được hỏi về hàng rào ngăn công nghệ thấp ở các dự án nhiệt điện than, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, có thể có biện pháp khắc phục, nhưng công cụ ngăn chặn “không ăn thua” so với chi phí đã bỏ ra làm nhiệt điện than.
Vì vậy, việc ngăn chặn các dự án công nghệ thấp còn phụ thuộc vào ý thức của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc lợi ích kinh tế đạt được, nhưng đồng thời cũng phải thỏa mãn yếu tố bảo vệ môi trường.
Phan Trang