Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo Le Paria với dấu mốc lịch sử 100 năm ra đời (1922-2022) đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sưu tầm và trưng bày lần này góp phần lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách đạo đức báo chí Hồ Chí Minh - di sản quý báu của Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.
100 năm trước, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ).
Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các nước thuộc địa.
Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Đông Dương và các nước thuộc địa. Qua đó, thức tỉnh những tầng lớp bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.
Giới thiệu về những ấn phẩm được trưng bày tại lễ khai mạc, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên các ấn phẩm, hình ảnh của báo Le Paria xuất bản tại Pari 100 năm trước được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Vào ngày 1/4/1922, Le Paria đã xuất bản tờ báo đầu tiên, điều đặc biệt là người tham gia sáng lập, điều hành tờ báo chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
"Với sự kiện trưng bày chuyên đề này, quý vị khán giả sẽ cảm nhận, học tập được phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, của một con người Việt Nam yêu nước cất lên tiếng nói đấu tranh, gây dựng tờ báo ở nước ngoài như một vũ khí để đấu tranh cách mạng, phục vụ lý tưởng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc", nhà báo Trần Thị Kim Hoa chia sẻ.
Trưng bày chuyên đề sẽ kéo dài đến hết ngày 15/4/2022 tại Bảo tàng Hà Nội.
Kim Liên