Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" do triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tấm bản đồ này được trưng bày tại chuyên đề “Di sản văn hóa biển Việt Nam” tại địa chỉ 216 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Trước đó, ngày 25/7, tấm bản đồ được TS Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Tấm bản đồ được TS Mai Ngọc Hồng mua cách đây gần 40 năm, do không sử dụng lúc đó, nên ông đã cất giữ tấm bản đồ trong kho và tìm lại được trong lần kiểm kê mới đây. Những thông tin trên bản đồ cho thấy triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) đã nghiêm túc, đầu tư công phu về tư liệu để phục vụ cho việc lập bản đồ với thời gian dài lên đến gần 200 năm, bắt đầu từ thời vua Khang Hy và chỉ được hoàn tất cho xuất bản vào năm 1904 và tái bản năm 1910.
Bản đồ xác định đảo Hải Nam là cực Nam lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa (được Việt Nam thực thi quyền chủ quyền từ trước đó) nằm ngoài phạm vi Trung Quốc.
Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho hay bản đồ này có yếu tố mới về mặt pháp lý. Đây là bản đồ được vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây, ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện nay.
"Giá trị quan trọng nhất không phải giá trị tự thân bản đồ mà là nội dung. Bản đồ xác định cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Điều này liên quan đến câu chuyện mà chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa", ông Dương Trung Quốc đánh giá.
Trong khi đó, năm 1834 dưới triều Minh Mạng, Việt Nam đã có bản đồ biểu thị cụ thể về dải Vạn Lý ở Trường Sa.
Ông Dương Trung Quốc cũng lưu ý thêm, Việt Nam nằm trên con đường vận tải biển trọng yếu của thế giới. Vị trí, vùng biển nước ta cũng được thể hiện rất nhiều trên bản đồ của các quốc gia hàng hải trên thế giới như Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha...
Được biết, không chỉ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam mà TP Đà Nẵng cũng đang nghiệm thu một đề tài khoa học về tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, trong đó các nhà nghiên cứu đã sưu tầm gần 90 bản đồ cổ (của Việt Nam, Trung Quốc và phần lớn của các nước phương Tây) đều chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa không xuất hiện trong lãnh thổ Trung Quốc mà thuộc chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam.
Vào tháng 1/2012, UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) đã công bố Kỷ yếu Hoàng Sa, sau đó được Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản. Đây là cuốn sách ghi lại người thật, việc thật, những nhân chứng đã từng sống và làm việc ở quần đảo Hoàng Sa rất xác thực.
Thành Chung