Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 28/5, Quốc hội lần đầu nghe báo cáo về Tờ trình xây dựng Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam soạn thảo và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Trưng cầu vấn đề gì?
Một trong những nội dung nổi bật của dự án Luật này là vấn đề gì sẽ được mang ra trưng cầu ý dân.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết có 2 luồng ý kiến về vấn đề này.
Thứ nhất, đa số ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Bởi vì, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước và việc đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được.
Một số ý kiến khác đề nghị cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, nhưng quy định theo cách trong những vấn đề đó thì tùy thuộc Quốc hội xem xét có thể đưa vấn đề nào ra trưng cầu ý dân. Theo quan điểm này, cần phải liệt kê những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết Ban soạn thảo nhất trí theo ý kiến đa số. Theo đó, dự luật quy định những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đồng tình với cách xây dựng nội dung này của Hội Luật gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý cho biết việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, khó có thể quy định cụ thể trong Luật.
Ông Phan Trung Lý đề nghị trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân như đã thể hiện tại Điều 6 của dự thảo Luật.
Cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với Hội Luật gia khi quy định phạm vi của trưng cầu ý dân được thực hiện trên cả nước, chứ không thực hiện ở phạm vi địa phương.
Theo lập luận của các cơ quan này, các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…).
Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Hội Luật gia và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, hiện còn đang có nhiều ý kiến khác nhau theo tổng hợp của Hội Luật gia Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này đưa ra hai phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật.
Theo đó, phương án 1: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền trình đề nghị trưng cầu ý dân (theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội).
Phương án 2, ngoài các chủ thể ở phương án 1, bổ sung Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân.
Các ý kiến ủng hộ phương án hai đưa ra lập luận Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống hành chính quốc gia.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân sẽ tạo thêm một kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề trưng cầu ý dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình.
Việc Luật Tổ chức Quốc hội (khoản 1, Điều 19) chỉ quy định 4 chủ thể (như phương án 1) không cản trở Luật Trưng cầu ý dân bổ sung thêm chủ thể vì Luật này là luật chuyên ngành trong lĩnh vực trưng cầu ý dân.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho rằng để bảo đảm tầm quan trọng của việc đề nghị trưng cầu ý dân và để thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội, đề nghị quy định chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như phương án 1 của dự thảo Luật.
Những vấn đề về dự án Luật Trưng cầu ý dân - một luật sau 70 năm được ghi trong Hiến pháp mới bắt đầu được xây dựng, sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong những ngày tới.
Thành Chung