Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một bệnh viện tại Trung Quốc |
Cuộc cải tổ y tế lần này là thứ hai, sau 12 năm Bắc Kinh phát động “Các quyết định về cải tổ và phát triển y tế”. Đợt cải tổ lần này nhằm vạch ra đường lối phát triển cho ngành y tế trong thập kỷ tới.
Mục tiêu chính của cải tổ y tế lần này là cung cấp bảo hiểm y tế cơ bản trên toàn quốc vào cuối năm 2020. Chính sách mới lần này đưa ra cải tổ trong bốn lĩnh vực chính: Hệ thống y tế công cộng; hệ thống phân phối dược phẩm; hệ thống bảo hiểm y tế; và hệ thống dược phẩm.
Theo chính sách mới này, Chính phủ sẽ trợ cấp hoàn toàn cho việc phân phối “gói y tế công cộng cơ bản”, bao gồm các dịch vụ y tế cốt lõi. Gói y tế này sẽ được tiêu chuẩn hóa cho mọi công dân trên toàn quốc, tuy nhiên, các địa phương có thể bổ sung thêm các dịch vụ y tế công cộng vào gói này dựa trên tình hình kinh tế của địa phương mình. Trong hệ thống bệnh viện, vai trò của bệnh viện nhà nước sẽ tiếp tục được củng cố qua việc tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng sẽ khuyến khích việc phát triển các bệnh viện tư nhân. Cũng theo đợt cải tổ lần này, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng “bảo hiểm y tế xã hội” với mục tiêu bao phủ 90% toàn bộ thành thị và nông thôn vào cuối năm 2011. Ngoài ra, lao động di cư nông thôn và các thành phần dân cư khác đối mặt với rủi ro về y tế sẽ là mục tiêu của chương trình bảo hiểm y tế mở rộng. Việc thiết lập “hệ thống y tế cốt yếu” là dựa trên việc cải tổ hệ thống dược phẩm. Chính phủ còn đề nghị thiết lập danh sách thuốc thiết yếu, cũng như việc sản xuất và sử dụng các loại thuốc thiết yếu sẽ được đảm bảo bằng sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế ban đầu không được phép kê đơn thuốc nằm ngoài danh sách thuốc thiết yếu.
Một số chiến lược được đưa ra để hỗ trợ việc cải tổ y tế lần này bao gồm: Thiết lập cơ chế tài chính công cho ngành y tế công cộng; xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ hệ thống phân bổ y tế; cung cấp hệ thống thanh toán dựa trên thông tin; đẩy mạnh xây dựng nhân lực; và ưu tiên về tài chính công cho việc cải tổ y tế. Những chiến lược này sẽ bao trùm các lĩnh vực then chổt trong hệ thống y tế: tài chính cho y tế, phân bổ hệ thống y tế, nhân lực và điều hành.
Theo kế hoạch, trong vòng ba năm tới, Trung Quốc tập trung cải tổ 5 lĩnh vực: Cải thiện hệ thống bảo đảm y tế xã hội cho nhân công ở thành thị và cơ chế bảo hiểm y tế cho cư dân, cũng như chế độ y tế hợp tác xã ở nông thôn và các chương trình hỗ trợ y tế; thiết lập một hệ thống y tế cốt yếu; củng cố năng lực của các cơ sở y tế ban đầu; phát triển y tế công, thu hẹp khoảng cách bao phủ của y tế công giữa các khu vực và giữa các nhóm dân cư khác nhau; và cải tổ cơ chế tài chính tại các bệnh viện công qua việc giảm sự phụ thuộc của bệnh viện vào thu nhập từ thuốc.
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhấn mạnh hai nguyên tắc cơ bản của việc cấp ngân sách cho đợt cải tổ y tế lần này là bình đẳng và hiệu quả. Để đảm bảo cung cấp ngân sách bình đẳng, ngân sách y tế của Chính phủ sẽ được chuyển trực tiếp cho ngành y tế công cộng, khu vực khó khăn, nghèo khó và các nhóm dân cư có rủi ro cao. Đảm bảo tính hiệu quả trong việc cung cấp ngân sách, các hệ thống thanh toán dựa trên thông tin sẽ được đưa ra để đảm bảo rằng nguồn tiền đó sẽ được sử dụng cho y tế và cải thiện y tế.
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ sử dụng khoảng 850 tỷ NDT (125 tỷ USD) từ ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ cho cải cách y tế trong vòng ba năm tới. Theo chương trình xây dựng hệ thống y tế hợp tác xã và hệ thống bảo hiểm y tế cho cư dân thành thị, Chính phủ sẽ tăng mức trợ cấp bảo hiểm cho mỗi người dân từ 80 NDT năm 2009 lên 120 NDT năm 2010. Trung Quốc sẽ cần khoản ngân sách khoảng 104 tỷ NDT để đảm bảo mức bảo hiểm như trên cho 850 triệu dân trong năm 2010, chiếm 36,8% tổng ngân sách dành cho vấn đề này trong năm 2010, nếu khoản 850 tỷ NDT được cấp đều cho ba năm tới.
Cuộc cải tổ y tế năm 2009 sẽ mở cánh cửa cho việc phát triển một hệ thống y tế mới ở Trung Quốc qua việc tập trung vào vấn đề cải thiện sự bình đẳng, tăng cường sự lãnh đạo và hỗ trợ tài chính của Chính phủ, thiết lập một chương trình bảo hiểm y tế chung, và bảo đảm việc cung cấp dịch vụ y tế công cho mọi người dân.
Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể vừa có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với tiến trình cải tổ y tế lần này. Chính phủ có thể coi việc cải tổ y tế là một trong những động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế và sẽ đầu tư hơn nữa vào ngành này. Tuy nhiên, rủi ro có thể xảy ra nếu Chính phủ không thể huy động đủ nguồn lực tài chính cho việc cải tổ do khủng hoảng kinh tế, vì hầu hết khoản ngân sách cho cải tổ y tế là từ nguồn thu của Chính phủ./.
Linh Đức