Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Việt Nam làm việc với Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc. - Ảnh: doanhnghieptrunguong.vn |
Năm 2003, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cải cách về quản lý tài sản nhà nước theo nguyên tắc sau: Ba kết hợp: Quản lý tài sản, quản lý con người, quản lý công việc; ba thống nhất: Về quyền lợi, về nghĩa vụ, về trách nhiệm; ba tách bạch: Chính phủ với doanh nghiệp; chính phủ với tài sản, chính phủ với công việc hành chính.
Cũng trong năm này, Chính phủ Trung Quốc (Quốc vụ viện) lập Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước (SASAC). Ủy ban là cơ quan đặc biệt trực thuộc Quốc vụ viện có 21 Cục và 20 đơn vị trực thuộc.
Đảng bộ của Ủy ban được thành lập chịu sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ủy ban được giao 9 nhiệm vụ như thực hiện trách nhiệm người quản lý vốn, giám sát tài sản nhà nhà nước của các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương (không bao gồm các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng), tăng cường công tác quản lý tài sản nhà nước; chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát doanh nghiệp đảm bảo giá trị và tăng giá trị tài sản nhà nước; bổ nhiệm và bãi miễn, kiểm tra người quản lý doanh nghiệp; thay mặt Quốc vụ viện (Chính phủ) được quyền cử Ban kiểm soát giám sát doanh nghiệp…
(SASAC thành lập 6 cơ quan chuyên trách về công tác quản lý và giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hành thường xuyên hoặc theo các đợt. Mỗi đợt kiểm tra, giám sát, Ủy ban thành lập các đội kiểm tra, giám sát làm việc với doanh nghiệp thường là trong 6 tháng liên tục tại doanh nghiệp.
Thông qua hoạt động của Ủy ban, triển khai thực hiện "3 kết hợp": quản lý tài sản, quản lý con người, quản lý công việc. Thực hiện "3 tăng cường": tăng cường nghĩa vụ, tăng cường trách nhiệm, tăng cường quyền lợi. Ủy ban quản lý tổng quỹ tiền lương của các doanh nghiệp, quản lý mức lương của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, phân phối trả lương theo: lương cơ bản, lương chức vụ và thưởng theo lợi nhuận (5 cấp độ).
Năm 2003, Trung Quốc có tổng số 196 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do SASAC quản lý. Sau quá trình tái cơ cấu và sắp xếp doanh nghiệp, hiện nay còn 119 doanh nghiệp (không gồm các ngân hàng thương mại nhà nước) do Ủy ban trực tiếp quản lý với tổng tài sản khoảng 26.000 tỷ NDT. Sau 8 năm hoạt động Ủy ban đã đưa ra nhiều điều chỉnh trong hoạt động quản lý, giám sát tài sản nhà nước đem lại nhiều thành tựu vượt bậc. Trung Quốc năm 2011 có 38 doanh nghiệp nằm trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới Tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc đều là doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp được dựa trên việc phân chia các doanh nghiệp thành 3 khu vực kinh doanh: trong đó lĩnh vực an ninh quốc phòng, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia không cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 100% vốn; lĩnh vực liên quan đến các ngành công nghiệp sẽ cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, thương mại, đầu tư được cổ phần hóa nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Đảng lãnh đạo toàn diện về công tác cán bộ
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo toàn diện về công tác cán bộ từ phát hiện nguồn, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm và quản lý cán bộ trong các doanh nghiệp.
Để quản lý công tác cán bộ, SASAC thành lập 2 Cục quản lý lãnh đạo doanh nghiệp tách biệt và 1 trung tâm bồi dưỡng cán bộ (Đảng Cộng sản trung Quốc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước phải là đảng viên). Xây dựng đội ngũ cán bộ theo phương châm là "Đưa đảng viên trở thành cán bộ tuyến đầu, chọn những cán bộ tuyến đầu bồi dưỡng thành đảng viên".
Trong 119 doanh nghiệp trung ương, có 54 doanh nghiệp do Ban tổ chức Trung ương quản lý cả 3 chức vụ (Bí thư đảng ủy hoặc bí thư ban cán sự đảng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc), các doanh nghiệp còn lại do SASAC quản lý. Hiện nay Trung Quốc đang thí điểm làm tại 24 doanh nghiệp đưa người chưa phải là đảng viên vào trong Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các đơn vị này do HĐQT bổ nhiệm.
Phát huy vai trò của Đảng trong việc lựa chọn cán bộ, kiên trì nguyên tắc Đảng quản lý cán bộ. Việc lựa chọn cán bộ, nhân tài theo hướng đặt tiêu chuẩn; nghiên cứu tiến cử; hoàn thiện hệ thống đánh giá; tăng cường kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng; thi tuyển lãnh đạo doanh nghiệp từ các nguồn. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp theo tiêu chí "4 tốt": Tố chất chính trị tốt; năng lực kinh doanh tốt; đoàn kết tốt; đạo đức tốt. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ từ đơn vị, trong người lao động trực tiếp; thực hiện cơ chế để bình chọn đảng viên tốt (vào các dịp kỷ niệm năm chẵn) qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ tốt. Đến nay (9/2011) có 95% cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nhà nước là đảng viên.
Để xây dựng Đảng trong doanh nghiệp và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra quan điểm "3 đồng thời": đồng thời thành lập doanh nghiệp với thành lập tổ chức đảng; đồng thời điều chỉnh cơ chế quản lý kinh doanh với điều chỉnh quy định của Đảng; đồng thời điều chỉnh về nhân sự.
Các đảng bộ thực hiện chương trình công tác theo "3 chủ động": chủ động thích nghi với cổ phần hóa và cải cách; chủ động thích nghi với cạnh tranh và quốc tế; chủ động thích nghi với tư tưởng mới.
Từ đó xây dựng tổ chức đảng thành nguồn lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tổ chức đảng là hạt nhân trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước nhấn mạnh vai trò tổ chức đảng phải có ý kiến quyết định đối với những công việc lớn của doanh nghiệp, bổ nhiệm lãnh đạo và đảm bảo quyền lợi của người lao động; tách bạch rõ ràng công việc hàng ngày của Chủ tịch HĐQT là quản lý công tác đảng, công đoàn và nhân sự; Tổng giám đốc là điều hành doanh nghiệp.
Đảng ủy của các doanh nghiệp có 3 chức năng cơ bản: Một là tham gia các quyết sách lớn; hai là chủ động sử dụng nhân tài; ba là bảo đảm giám sát. Đảng ủy đưa ra quyết sách nhưng không thay thế HĐQT (không phải vấn đề gì Đảng ủy cũng bàn và đưa ra quyết định). Trung Quốc đưa ra "3 quan trọng": chiến lược phát triển của doanh nghiệp; công tác cán bộ; Dự án quan trọng sử dụng kinh phí lớn sau điều chỉnh là "2 vấn đề lớn" là công tác cán bộ và lợi ích của người lao động.
Tổ chức đảng trở thành tiền đề quan trọng bàn những vấn đề khó khăn gặp phải khi cải cách, cải tổ; tổ chức đảng quán triệt và thực hiện đường lối, ứng phó với những vấn đề lớn và kiểm tra, giám sát. Để tránh việc các ý kiến khác nhau giữa quyết sách của Đảng với HĐQT, trước khi quyết định HĐQT bàn bạc, thảo luận kỹ với đảng ủy (tạo sự đồng thuận cao). Thực hiện cơ chế thành viên đảng ủy tham gia HĐQT và ngược lại.
(Theo báo điện tử Doanh nghiệp Trung ương)