Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tân Hoa xã cho hay, luật mã hóa của Trung Quốc nhằm mục đích chuẩn hóa ứng dụng và quản lý mật mã, thúc đẩy phát triển kinh doanh mật mã, bảo đảm an ninh không gian mạng và thông tin, cải thiện trình độ quản lý mật mã được chuẩn hóa và hợp pháp hóa. Đó là một đạo luật toàn diện về lĩnh vực mật mã ở Trung Quốc, quy định rằng nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ vào mật mã.
Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, là một bước đi nữa để Trung Quốc ra mắt tiền kỹ thuật số. Đặc biệt, động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc nên đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ blockchain (chuỗi khối) làm cốt lõi cho sự đổi mới.
Năm 2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thành lập một nhóm nghiên cứu để khảo sát việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình nhằm cắt giảm chi phí lưu thông tiền giấy truyền thống và tăng cường kiểm soát nguồn cung tiền của các nhà hoạch định chính sách. Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, loại tiền kỹ thuật số mới do Trung Quốc đề xuất có một số điểm tương đồng với tiền Libra của Facebook và có thể được sử dụng trên các nền tảng thanh toán lớn như WeChat và Alipay.
Trước đó, tiền điện tử được đề xuất của Facebook đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà quản lý toàn cầu rằng nó có thể nhanh chóng trở thành một hình thức thanh toán kỹ thuật số thống trị và là kênh rửa tiền qua mạng xã hội.
Libra là một loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bởi dự trữ tài sản trong thế giới thực, bao gồm tiền gửi ngân hàng, chứng khoán chính phủ ngắn hạn và được nắm giữ bởi một hội đồng giám sát. Cấu trúc của nó nhằm mục đích thúc đẩy niềm tin và ổn định giá cả.
Giống như các loại tiền điện tử khác, các giao dịch Libra sẽ được cung cấp và ghi lại bởi một blockchain, là một sổ cái chung của các giao dịch được duy trì bởi một mạng lưới các máy tính.
BT