• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Trung Quốc: Nhiều cải cách lớn về KT-XH

(Chinhphu.vn) - Trung Quốc đã công bố chi tiết về một số cải cách kinh tế - xã hội được quyết định tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua.

18/11/2013 16:03

Ảnh: Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 3 khóa XVIII. (Nguồn: Tân hoa xã)

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân hoa xã đã công bố thông cáo 22.000 chữ, gồm nhiều nội dung về các vấn đề lớn liên quan đến cải cách sâu sắc toàn diện của đất nước được quyết định tại Hội nghị Trung ương 3.

Thông cáo đã đưa ra những phương hướng chính sách rộng lớn với điểm nổi bật là về phát triển kinh tế, điều mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng sẽ là chìa khóa giải quyết những vấn đề mà đất nước đang đối mặt.

Theo nghị quyết của Hội nghị, mục tiêu chung của cải cách sâu rộng là đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý của đất nước. Trong đó nhấn mạnh cải cách kinh tế đóng vai trò chìa khóa và giải pháp then chốt là mối quan hệ hài hòa giữa chính phủ và thị trường, để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực. 

Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết dỡ bỏ các rào cản trên thị trường, nâng cao hiệu quả cũng như sự công bằng trong phân bổ nguồn lực, đồng thời đưa ra những quy định thị trường minh bạch, cởi mở và bình đẳng, cải thiện cơ chế giá cả thị trường. Theo đó, quan điểm mới là để thị trường quyết định việc phân bổ các nguồn lực, nhiệm vụ cơ bản là xây dựng một nền kinh tế mở và thống nhất với sự cạnh tranh có trật tự.

Về các cải cách kinh tế, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, xây dựng thị trường tự do cạnh tranh, trao cho thị trường vai trò quyết định nguồn lực. Việc này theo các chuyên gia là việc dịch chuyển cơ cấu mạnh mẽ để đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Kế hoạch bao gồm nội dung yêu cầu các công ty nhà nước phải đóng góp tiền lãi cổ phần nhiều hơn cho chính phủ và cho phép các công ty tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

Cụ thể, Trung Quốc có thể cho phép các công ty tư nhân nắm 10-15% cổ phần trong những dự án nhà nước thuộc lĩnh vực nhà nước độc quyền kiểm soát trước đây như dầu khí, viễn thông; cho phép mở thêm ngân hàng nhỏ và các định chế tài chính sử dụng vốn tư nhân; tiếp tục mở rộng mô hình khu thương mại tự do đang thử nghiệm ở Thượng Hải nhằm tăng khả năng tự do chuyển đổi của đồng nhân dân tệ, mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài; cởi trói về lãi suất…

Nhà nước tăng cường giám sát và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của tập đoàn quốc doanh. Cụ thể, các tập đoàn nhà nước sẽ phải nộp ngân sách dưới dạng cổ tức lên tới 30% thay vì 5-15% như  trước để tăng tính cạnh tranh cũng như phân phối vốn hợp lý hơn.

Về chính sách đất đai, nông dân được trao quyền linh hoạt hơn trong việc cho thuê đất. Trung Quốc cũng xử lý mạnh tay với tình trạng gây ô nhiễm bằng cách áp dụng một số loại thuế mới, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về môi trường.

Về mặt xã hội, 2 quyết định quan trọng là nới lỏng chính sách một con và bãi bỏ chính sách cải tạo lao động.

Cải cách đáng chú là Trung Quốc sẽ bãi bỏ hệ thống “lao cải”. Hệ thống trại cải tạo lao động ra đời từ năm 1957 để giam giữ những người phạm các tội danh không nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự, mại dâm, sử dụng ma túy.

Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc và nhiều chuyên gia thời gian qua liên tục kêu gọi dẹp bỏ vì cho rằng chính sách này tồn tại nhiều điều bất hợp lý nguy hiểm như chính quyền địa phương và công an có quyền ra lệnh giam giữ mà không cần ra tòa xét xử.

Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản cho hay các cặp vợ chồng mà một trong hai người là con một thì sẽ có quyền có con thứ hai. Đây là sự nới lỏng đáng kể so với quy định trước đó bắt buộc cả hai đều phải là con một thì mới được hưởng ngoại lệ. Chính sách một con được cho là đã giúp kiểm soát tốt dân số Trung Quốc trong nhiều thập niên qua, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy như nguy cơ thiếu hụt lao động, mất cân bằng giới tính, gánh nặng đè lên vai người già cũng như các cáo buộc cưỡng bức triệt sản và phá thai. Hồi đầu năm, các chuyên gia điều tra dân số cũng cảnh báo lực lượng lao động của Trung Quốc bắt đầu giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Hội nghị Trung ương mới nhất là kỳ họp thứ 3 của các tân lãnh đạo Trung Quốc, thường được tổ chức một năm sau khi đội ngũ lãnh đạo mới nhậm chức và đủ thời gian để xác lập quyền lực. Các kỳ Hội nghị Trung ương 3 trước đã có những ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của Trung Quốc. Trong kỳ họp năm 1978, Trung Quốc tuyên bố cải cách và mở cửa kinh tế Trung Quốc, hướng tới cải theo khuynh hướng kinh tế thị trường. Tại kỳ họp năm 1993, Trung Quốc công bố “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và giải tán phần lớn các doanh nghiệp thuộc khối quốc doanh Trung Quốc.

Sở dĩ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII hiện nay được quan tâm chú ý là có ba lý do: Một là 7 kỳ Hội nghị Trung ương 3 trong 35 năm qua đều lấy việc cải cách kinh tế làm chủ đề và hội nghị lần này cũng không là ngoại lệ.

Hai là tại Hội nghị Trung ương 3 lần này, thế giới bên ngoài rất kỳ vọng vào việc ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc có thể đưa ra được chế độ chính trị và kinh tế hiện đại, tiến cùng thời  đại. 

Ba là, ở Trung Quốc gần như đã hình thành thông lệ cứ 10 năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản lại đưa ra một quyết định cải cách quan trọng. Cụ thể  là Hội nghị Trung ương 3 khóa XV năm 1993 thông qua “Quyết định về một số vấn đề liên quan tới việc xây dựng thế giới kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,” đề ra khung cơ bản của kinh tế thị trường. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI năm 2003 thông qua “Quyết định về một số vấn đề liên quan tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã lần lượt ban hành một loạt biện pháp cải cách mới. Từ ngày 1/8, tạm miễn thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp 6 triệu doanh nghiệp loại này được hưởng lợi, được giảm gần 30 tỷ Nhân dân tệ tiền thuế mỗi năm. 

Cũng từ ngày 1/8, Trung Quốc mở rộng phạm vi thí điểm về thuế giá trị gia tăng thay cho thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó cả năm sẽ giảm thuế khoảng 120 tỷ Nhân dân tệ. Bên cạnh đó, Khu mậu dịch tự do Thượng Hải - khu thí điểm thương mại tự do đầu tiên của Trung Quốc - cũng chính thức thành lập, phát huy vai trò dẫn dắt trong phát triển nền kinh tế mở của Trung Quốc.

Đất nước Trung Quốc hiện đang ở vào một thời điểm quan trọng trong việc đưa nền kinh tế đi trên một con đường phát triển bền vững. Ban lãnh đạo Trung Quốc do đó không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải theo đuổi các cuộc cải cách toàn diện và sâu rộng hơn nữa.

Nguyễn Chiến