Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Rồng đá thềm điện Kính Thiên. ẢnhBấo Đất Việt |
Đoàn chuyên gia Nhật Bản đã có một văn bản, đánh giá: Khu khai quật di tích Ba Đình đã cho thấy lịch sử Hà Nội hơn 1.000 năm liên tục, tức là đã thể hiện dòng chảy liên tục hơn 1.000 năm của lịch sử Việt Nam.
Trong quần thể dấu vết kiến trúc ở đây, cái sớm nhất được xác định là trước thời nhà Lý và có khả năng là thuộc về thời An Nam đô hộ phủ (thế kỷ VII-IX). Dù có nhiều hiện tượng xây dựng lại trong suốt thời gian hơn 1.000 năm tồn tại của di tích nhưng nói chung, tình hình giữ lại những di tích khảo cổ học trong lòng đất vẫn là khá tốt.
Hầu như ở khu vực châu Á, không có khu di tích cung điện nào lại được bảo tồn trong lòng đất khá tốt như ở Thăng Long (Hà Nội). Trên thế giới, những di tích cố đô nổi tiếng như Fono Romano ở Roma (Italia) Trường An ở Tây An (Trung Quốc), Heijo-Kyo ở Nara (Nhật Bản) đều đã được thừa nhận như là di sản văn hóa của nhân loại và đã được xếp hạng là Di sản Thế giới.
Bây giờ, một di tích có giá trị tương đương hay còn hơn thế nữa, đã xuất hiện ở Hà Nội và còn nằm ngay dưới lòng đất ở trung tâm thủ đô Hà Nội - một đô thị lớn. Điều đó có ý nghĩa rằng vùng này cũng đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam trong suốt hơn 1.000 năm qua. Đồng thời, cũng chứng minh trình độ cao và tiềm lực mạnh của nhân dân Việt Nam thời xưa.
GS. Yamanaka Akira nhấn mạnh: Để hiểu biết lịch sử nhân loại, không thể không có sự đóng góp của di tích này.
TS. Shigeeda Yutaka đánh giá: Bảo tồn được di tích này cũng như cả di tích kinh thành Thăng Long, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành một di tích đô thị cổ tiêu biểu trên thế giới.
GS. Imaizumi Takao: Đối với các nước châu Á, di tích Ba Đình này là một di tích quan trọng nhất và quý giá nhất.
![]() |
Những di vật khai quật tại Hoàng thành. Ảnh tư liệu |
Đoàn chuyên gia Pháp, gồm 6 chuyên gia về Sử học, Khảo cổ học, Bảo tàng học, Đô thị học và Kiến trúc có 1 báo cáo, trong đó đoạn kết viết: “Sau khi tham quan, khảo sát những phát hiện khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu, chúng tôi kết luận: Nơi đây là đại diện cho di sản giá trị thế giới có tầm quan trọng cao nhất, cả thế giới vui mừng vì những may mắn lịch sử hiếm hoi này của Việt Nam”.
Đoàn chuyên gia Pháp đã nêu một số giá trị khái quát của Khu di chỉ này:
1/ Giá trị nhận diện thành phố Hà Nội: Việc bảo tồn được hệ thống Di sản Hoàng thành sẽ cho thấy sự độc đáo của đô thị này, dựa trên sự hội nhập các yếu tố cổ và hiện đại.
2/ Giá trị nhận diện dân tộc Việt Nam: Việc bảo tồn được Di sản Hoàng thành sẽ cho phép diễn giải hữu hình sự phát triển liên tục của lịch sử và dân tộc Việt Nam qua hơn 1.000 năm.
3/ Giá trị nhận diện Nhà nước Việt Nam: Di tích này cho phép diễn giải hữu hình sự liên tục và đặc trưng của tổ chức Nhà nước ở Việt Nam trong hơn 1.000 năm qua.
4/ Giá trị phát triển văn hóa: Di tích này cho phép tăng cường hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam như là một trung tâm văn hóa của thế giới, với những lợi ích to lớn của quốc gia và quốc tế.
5/ Giá trị phát triển kinh tế: Di tích này đem lại một lợi ích kinh tế to lớn, từ vai trò văn hóa của nền kinh tế toàn cầu.
6/ Giá trị phát triển du lịch: Hệ thống Di sản Hoàng thành sẽ biến Hà Nội thành một địa chỉ du lịch lớn của thế kỷ XXI.
7/ Giá trị phát triển nghiên cứu lịch sử: Di tích này sẽ cung cấp những tư liệu lịch sử độc đáo, xác định tình trạng của Hà Nội với tư cách là kinh đô của vương quốc Đại Việt.
8/ Giá trị phát triển giáo dục: Di tích này cung cấp một công cụ hàng đầu cho các mục đích giáo dục, được phát triển trong mối quan hệ với công việc giảng dạy của các trường học và trường đại học.
9/ Giá trị về phát triển môi trường: Di tích này đem lại cơ hội độc đáo cho Hà Nội bảo đảm giá trị môi trường đô thị trong tương lai cho cư dân thành phố.
Theo Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến