Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trình bày chuyên đề về Thông tư 07, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý cho biết, một trong những căn cứ ban hành Thông tư 07 là Luật Bình đẳng giới năm 2006. Luật Bình đẳng giới ra đời khi dư luận cho rằng Bộ luật Lao động có những quy định tạo nên sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Điển hình là về độ tuổi lao động (nam giới nghỉ hưu năm 60 tuổi, còn phụ nữ phải nghỉ hưu từ khi tuổi 55), độ tuổi tối đa để bổ nhiệm (nam là 45 nhưng nữ chỉ là 40). Và đặc biệt là bậc lương, do phải nghỉ hưu sớm hơn nam nên bậc lương thấp hơn, kéo theo sự thiệt thòi trong một số lĩnh vực như khám sức khỏe…
Bà Lý khẳng định, điều quan trọng nhất của Thông tư này là Điều 12 quy định về việc TGPL để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ nghèo, phụ nữ thuộc đối tượng chính sách theo Điều 10 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL và nữ giới trong một số trường hợp đặc thù. Cũng theo Điều 12, tổ chức thực hiện TGPL sẽ có các hoạt động nghiệp vụ như TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, mở lớp học pháp luật chuyên sâu kết hợp tư vấn pháp luật ngoài giờ hành chính định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết để nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng TGPL cho các đối tượng trên.
Thông tư 07 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2011, áp dụng đối với các Trung tâm TGPL Nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm; Tổ chức tham gia TGPL là công ty luật, văn phòng luật sư và các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị , xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã đăng ký tham gia TGPL; Câu lạc bộ TGPL; Người thực hiện TGPL (Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL, L uật sư, tư vấn viên pháp luật làm việc tại các tổ chức đă ng ký tham gia TGPL ); Người được TGPL và những người có liên quan đến vụ việc TGPL; Các cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện TGPL.
Giới thiệu Luật Người khuyết tật năm 2010, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Hà Đình Bốn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên có đạo luật phân chia dạng tật thành 6 dạng (bao gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; và khuyết tật khác) và mức độ khuyết tật thành 3 mức độ đặc biệt nặng, nặng và nhẹ.
Người khuyết tật được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, TGPL, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin… Luật cũng quy định, đến ngày 01/01/2020, các công trình công cộng như trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục, thể thao và đến ngày 01/01/2025 là tất cả các công trình khác phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Cẩm Vân