• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thăm, làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội; dự Lễ tốt nghiệp và trao bằng Bác sĩ nội trú Trường Đại học Y khoa Hà Nội, khoá 45.

26/02/2024 19:41
Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội chiều 26/2 - Ảnh: VGP/MK

Cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu, nòng cốt, tiên phong

Báo cáo Phó Thủ tướng, GS.TS. Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nhà trường hiện có gần 2.700 công chức, viên chức và người lao động, 7 đơn vị trực thuộc.

Nhà trường có bề dày lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống giáo dục đại học hiện có ở Việt Nam; là một trong 16 trường đại học trọng điểm quốc gia, là trường đại học hàng đầu trong các trường đại học y khoa của Việt Nam.

Trong 122 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Y Hà Nội đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trường cũng là một trung tâm chuyên sâu trong nghiên cứu ứng dụng, chuẩn hóa và chuyển giao các kỹ thuật y khoa tiên tiến, góp phần đưa nền y học Việt Nam hòa nhập với nền y học các nước tiên tiến trên thế giới.

"Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn về quản trị đại học; cơ chế, chính sách hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị; thực hiện tự chủ đại học", GS.TS. Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các Bộ GD&ĐT, KH&ĐT, Nội vụ, TP. Hà Nội, tỉnh Thanh Hoá… đã trao đổi, thảo luận về các kiến nghị của Trường Đại học Y Hà Nội về Đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội theo cơ chế đặc thù và trở thành trường top 100 của châu Á; bố trí quỹ đất tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (TP. Hà Nội) để mở rộng quy mô đào tạo và xây dựng thêm một số cơ sở thực hành; sáp nhập Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương tại Thanh Hoá vào Trường Đại học Y Hà Nội; hỗ trợ phát triển phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá sớm trở thành trường đại học thành viên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng "cái áo" hiện nay của Trường Đại học Y Hà Nội đã quá chật, cơ sở vật chất rất cần được nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá để trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực.

Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm phòng truyền thống Trường Đại học Y Hà Nội - Ảnh: VGP/MK

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng, những đóng góp của Trường Đại học Y Hà Nội, cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu, nòng cốt, tiên phong của ngành y. Tuy nhiên, mô hình, cơ chế hiện nay đã "chật chội" so với sự phát triển của nhà trường, với mục tiêu trở thành trường đại học y khoa hàng đầu Việt Nam, cũng như của châu Á và thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng đề án, chiến lược phát triển; cùng với UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất cơ chế, chính sách tài chính đặc thù xây dựng phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hoá sớm trở thành trường đại học thành viên; làm việc với Bộ GD&ĐT, Y tế, UBND TP. Hà Nội để cập nhật vào quy hoạch ngành quốc gia, xác định mô hình tổ chức, quy mô cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… làm cơ sở bố trí quỹ đất.

Phó Thủ tướng giao các Bộ GD&ĐT, Y tế, KH&CN, KH&ĐT, Tài chính… tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc mang tính đặc thù trong đào tạo nhân lực ngành y tế nói riêng và cả ngành y tế nói chung như tự chủ đại học, tự chủ bệnh viện, giải quyết mối quan hệ xã hội hoá trong y tế, mô hình bệnh viện trong trường đại học, tiêu chí cơ sở thực hành y khoa, cơ chế đào tạo bác sĩ nội trú,…; giao các bộ, ngành, UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội triển khai các bước thực hiện sáp nhập Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương tại Thanh Hoá.

Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ngành y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào" - Ảnh: VGP/MK

Sự tận hiến của ngành y vì sức khỏe và hạnh phúc nhân dân

Cũng trong chiều 26/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự Lễ tốt nghiệp và trao bằng Bác sĩ nội trú Trường Đại học Y Hà Nội, khoá 45.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi những tình cảm nồng ấm và sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy thuốc, nhân viên y tế trên cả nước, trong đó có các bác sĩ, giảng viên trường y - những người mang sứ mệnh đặc biệt cao cả, vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xuyên suốt lịch sử dân tộc, đặc biệt là trong chặng đường 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào".

Phó Thủ tướng cũng chúc mừng 396 bác sĩ trẻ được trao bằng Bác sĩ nội trú khoá 45. Đây là những bạn trẻ đã vượt qua những tiêu chuẩn đầu vào khắt khe và quá trình đào tạo rèn luyện, thực hành nhiều thử thách, gian khó, để trở thành bác sĩ nội trú, những người ưu tú nhất trong ngành y, với ít nhất 10 năm liên tục để học tập, rèn luyện chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, trau dồi y đức.

Không chỉ làm tự hào gia đình, thầy cô, bạn bè mà cơ hội nghề nghiệp, phát triển bản thân sẽ rộng mở trước mắt các bác sĩ nội trú, mang những kiến thức chuyên môn sâu được đào tạo, rèn luyện để chữa bệnh cho người, giúp ích cho đời.

Theo Phó Thủ tướng, nghề thầy thuốc là một nghề hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động là sức khỏe, thể chất, sinh mạng con người.

Lựa chọn ngành y là lựa chọn của những người giỏi nhất, có năng lực nhất, nhưng đó cũng là sự lựa chọn của lòng dũng cảm, sự dấn thân, bởi ở đâu có nhân dân ở đó cần người chăm sóc sức khỏe; bất kể đó là chiến trường khốc liệt năm xưa, hay những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Và trong chiến tranh khốc liệt, chiến đấu với dịch bệnh nhiều chiến sĩ áo trắng đã anh dũng hi sinh.

"Những hình ảnh xúc động về những bác sĩ, nhân viên y tế trong đó có nhiều thầy, cô và sinh viên đại học y sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, xung phong vào tâm dịch COVID-19 giữa lúc hiểm nguy nhất đã trở thành biểu tượng của sự tận hiến của ngành y vì sức khỏe và hạnh phúc nhân dân", Phó Thủ tướng nói và khẳng định "Đảng, nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và vinh danh những cống hiến, hi sinh; cả hệ thống chính trị sẽ tập trung phát triển nền y học của đất nước".

Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bác sĩ nội trú có thành tích học tập xuất sắc khoá 45 - Ảnh: VGP/MK

Làm dày thêm những thành tựu của trường y đầu tiên ở Đông Dương

Là cái nôi, nơi khởi nguồn để xây dựng các trường đại học y dược trên cả nước, trong suốt chặng đường phát triển Trường Đại học Y Hà Nội đã khẳng định vị thế và uy tín lớn, ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ tới toàn hệ thống giáo dục đại học, hệ thống y tế nước nhà.

Với mục tiêu cùng tầm nhìn trở thành đại học nghiên cứu trong nhóm các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á, Trường Đại học Y Hà Nội đã đi đầu trong đổi mới dạy và học, chú trọng các lĩnh vực y học tiên tiến như y sinh học phân tử, công nghệ gen - protein, công nghệ tế bào trị liệu và nghiên cứu ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại.

Mô hình Viện - Trường, bác sĩ nội trú thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, thực hành, chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh mới. Đặc biệt, các dự án Khám chữa bệnh từ xa, thí điểm đưa bác sĩ nội trú trẻ tình nguyện về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện của Trường Đại học Y Hà Nội đã góp phần đưa các kỹ thuật y tế chất lượng cao đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng mong muốn các tân bác sĩ nội trú sẽ nối tiếp các thế hệ đi trước, bước vào chặng đường vinh quang nhưng đầy gian lao với những đêm không ngủ, những ca phẫu thuật căng thẳng đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp, sự tỉnh táo và chính xác tuyệt đối trong từng quyết định để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật, nhiều khi là vượt qua lằn ranh sinh tử.

Phó Thủ tướng tin tưởng, các tân bác sĩ nội trú sẽ lập nhiều thành tích to lớn, cống hiến quan trọng cho ngành y tế và xã hội trong tương lai; làm dày thêm những thành tựu của ngôi trường với bề dày truyền thống 122 năm, trường y đầu tiên của khu vực Đông Dương; viết tiếp và khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ y học thế giới với những tên tuổi lớn như: Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Chung, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch…

Và phần thưởng cao quý, thiêng liêng nhất dành cho người thầy thuốc là tính mạng, sức khỏe của người bệnh, là niềm vui vỡ òa khi bệnh nhân của mình được cứu sống, được tái sinh. Sự đồng cảm, động viên của thầy thuốc là liều thuốc tinh thần dành cho bệnh nhân.

Trường Đại học Y Hà Nội cần 'may áo mới'- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng các thầy giáo – thầy thuốc Trường Đại học Y Hà Nội nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam - Ảnh: VGP/MK

Chú trọng những lĩnh vực đào tạo đặc biệt như ngành y

Phó Thủ tướng cho rằng những khó khăn, bất cập của ngành y tế đã bộc lộ sau đại dịch COVID-19. Đặt ra yêu cầu nghiên cứu, tổng kết, để lựa chọn, tiếp thu mô hình, cơ chế tổ chức, thể chế, chính sách pháp luật trong đào tạo những lĩnh vực đặc biệt như ngành y với nhiều yêu cầu đặc thù như: Đào tạo bác sĩ nội trú kết hợp được lý thuyết, thực hành, nghiên cứu; cơ sở thực hành; hoạt động chuyển giao công nghệ…

"Những khó khăn của ngành y, Trường Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện đã được Chính phủ lắng nghe, ghi nhận. Nhiều quyết sách mới đã được ban hành kịp thời để giải quyết ngay những khó khăn trước mắt cũng như hướng tới mục tiêu xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng", Phó Thủ tướng trao đổi và lưu ý phải ban hành được các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá cho ngành y nói riêng, lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, sửa đổi quy định đào tạo để các trường đại học y khoa trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.

Phó Thủ tướng gợi mở: Mô hình của Trường Đại học Y Hà Nội có cả đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, thực hành, bệnh viện cần được nghiên cứu, xem xét, để xây dựng tiêu chí, lộ trình thực hiện đối với các cơ sở y tế, đào tạo y khoa nhằm giải các bài toán có tính chiến lược của ngành y về tổ chức, cơ chế quản trị, mối quan hệ công – tư trong xã hội hoá y tế.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với bề dày truyền thống, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với sự tham gia trách nhiệm các bộ, ngành, các nhà giáo, nhà khoa học, trong đó có các thầy giáo - thầy thuốc Trường Đại học Y Hà Nội, ngành y sẽ tiếp tục tiến lên phía trước, cùng nhau xây dựng và phát triển những cơ sở y tế, đào tạo y khoa hàng đầu khu vực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở cơ sở, ngang tầm với khu vực, quốc tế.

Minh Khôi