Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nay, mẹ bà Mạnh chết không để lại di chúc, nhưng tâm nguyện lúc còn sống là để lại mảnh đất trên cho bà Mạnh, vì mẹ bà Mạnh và chồng mới không có con chung, tuy nhiên bố dượng không đồng ý. Bà Mạnh muốn được tư vấn để có thể thực hiện theo tâm nguyện lúc mẹ bà còn sống.
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Mạnh như sau:
Nếu sự việc đúng như bà Mạnh trình bày, thì mảnh đất 200m2 do mẹ bà Mạnh mua năm 2002, đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên một mình mẹ bà, là tài sản riêng của mẹ bà Mạnh có trước khi kết hôn.
Sau khi kết hôn hợp pháp với người chồng mới, mẹ bà Mạnh không sáp nhập tài sản là quyền sử dụng đất của mẹ bà vào tài sản chung của vợ chồng, không đăng ký biến động quyền sử dụng đất nhập tên người chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì thửa đất đó là tài sản riêng của mẹ bà Mạnh trong thời kỳ hôn nhân.
Như bà Mạnh trình bày, khi còn sống mẹ bà Mạnh có tâm nguyện để lại mảnh đất này cho bà. Tuy nhiên tâm nguyện ấy lại không được thể hiện bằng các hình thức di chúc theo quy định của pháp luật. Vì mẹ bà Mạnh chết không để lại di chúc, cho nên những người thừa kế theo pháp luật của mẹ bà Mạnh cùng được hưởng tài sản thừa kế của mẹ bà Mạnh để lại.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 676 Bộ Luật Dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu những người này còn sống vào thời điểm mẹ bà Mạnh chết thì họ được hưởng thừa kế tài sản của mẹ bà Mạnh.
Do thông tin bà Mạnh cung cấp không rõ bố đẻ, mẹ đẻ của mẹ bà Mạnh có còn sống không; mẹ bà Mạnh có bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp còn sống không? Ngoài bà Mạnh là con đẻ ra còn có ai là con đẻ, con nuôi hợp pháp của mẹ bà Mạnh không? Do đó không xác định được phần được hưởng của mỗi thừa kế, trong đó có phần của bà Mạnh và phần của người chồng mẹ bà.
Về nguyên tắc, tài sản thừa kế được chia đều cho các thừa kế theo pháp luật. Càng có nhiều người thừa kế thì phần tài sản thừa kế của mỗi người thừa kế đó càng nhỏ. Nếu bà Mạnh muốn được hưởng toàn bộ, hoặc phần lớn tài sản thừa kế của mẹ bà thì thực hiện như sau :
- Trường hợp có nhiều người thừa kế, bà Mạnh cần thương lượng với các thừa kế khác, chú trọng thương lượng với ông ngoại, bà ngoại của bà, các anh chị em của bà; nêu rõ tâm tư, nguyện vọng của mẹ bà khi còn sống để nhận được sự đồng cảm, thỏa thuận của các thừa kế khác, để họ tặng cho phần thừa kế của họ cho bà. Càng nhiều thừa kế đồng ý tặng cho phần thừa kế của họ cho bà thì tỷ lệ bà được hưởng càng lớn. Nếu tất cả các thừa kế khác, trong đó có bố dượng của bà Mạnh đều đồng ý tặng cho phần thừa kế của họ được hưởng cho bà, thì bà Mạnh được hưởng toàn bộ di sản của mẹ bà.
- Trường hợp chỉ có hai người thừa kế là bà Mạnh và bố dượng, theo quy định của pháp luật bà Mạnh và bố dượng mỗi người được hưởng ½ tài sản thừa kế. Nếu bố dượng tự nguyện tặng cho phần thừa kế của ông cho bà Mạnh hoặc bà Mạnh thuyết phục được bố dượng tặng cho phần thừa kế cho bà thì bà được hưởng toàn bộ di sản của mẹ bà.
Theo quy định của pháp luật, thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại Văn phòng công chứng với sự có mặt thỏa thuận, đồng ý ký kết vào văn bản thỏa thuận của tất cả các thừa kế theo pháp luật. Văn bản thoả thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Trường hợp bố dượng bà Mạnh có ý định chiếm giữ toàn bộ nhà, đất là tài sản thừa kế của mẹ bà, việc thương lượng, hòa giải không thành, việc thỏa thuận phân chia di sản không thực hiện được, thì bà Mạnh có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có nhà, đất giải quyết chia thừa kế theo pháp luật.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng tài liệu trong tố tụng pháp luật.