Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa): Lại "nóng" với chuyện quá tải
Chuyện quá tải học sinh của Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) đã có từ vài năm trước đây. Và đến thời điểm này, chuyện quá tải trường lớp vẫn còn là mối bận tâm của thầy trò nhà trường và nhân dân trong phường.
* Lớp học quá tải triền miên
Phường Trảng Dài có dân số cơ học tăng nhanh. Vì vậy, trong những năm qua, Trường tiểu học Trảng Dài là một trong những trường có tỷ lệ học sinh vào lớp 1 vào loại cao nhất trong số các trường tiểu học trên địa bàn Biên Hòa: từ 700 - 800 học sinh/năm. Năm học 2010- 2011, trường có 64 lớp, số lượng học sinh mỗi lớp trung bình là 54 em. Các lớp học ở Trường tiểu học Trảng Dài luôn quá tải. Ảnh: H. CHÂU
Theo quy định chung ở bậc tiểu học, sĩ số mỗi lớp yêu cầu chuẩn không quá 35 học sinh. Nếu tính con số học sinh của địa phương, phường cần phải có thêm 5 trường tiểu học với gần 100 phòng học mới đảm bảo đủ chuẩn. Trong thực tế, toàn phường chỉ có 1 trường tiểu học nên suốt thời gian dài tình trạng thiếu phòng học, học sinh phải học ca 3 đã xảy ra.
Trong năm học 2010-2011, TP. Biên Hòa đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng thêm 8 phòng học, nâng tổng số phòng học của trường là 32 (trong đó có 30 phòng học chính thức và 2 phòng do nhà trường tận dụng từ các phòng chức năng). Nhờ có các phòng học được xây mới, trong năm học này, trường đã xóa được tình trạng học ca ba.
* Sẽ phải học ca ba vào năm học tới!
Cách đây 6 năm, vào năm học 2005-2006, Trường tiểu học Trảng Dài có 1.400 học sinh. Khi đó trường cũng đã được xếp vào danh sách quá tải với số lượng vượt quá con số 45 học sinh/lớp. Từ đó đến nay, số học sinh ngày càng tăng, mỗi năm bình quân tăng khoảng 400 học sinh.
Hiệu trưởng Thái Bình Minh cho biết: "Trong năm học 2011-2012, theo tính toán của trường và chính quyền địa phương, trường có thể tiếp nhận thêm 800-900 học sinh vào lớp 1. Trong khi đó, số học sinh lớp 5 ra trường chỉ có trên 500 em. Như vậy, trong năm học tới tổng số học sinh toàn trường sẽ trên 3.700 em. Với số học sinh quá đông không thể dồn lớp được nữa, nhà trường không còn cách nào khác sẽ phải phân tải bớt sang học ca ba vào buổi trưa".
Hiệu trưởng Thái Bình Minh cũng cho hay, năm 2008, UBND TP. Biên Hòa có chủ trương xây dựng Trường tiểu học Trảng Dài 2 tại khu phố 4 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Tuy nhiên, dự án này sau 2 năm vẫn không thể thực hiện do thành phố thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như do kinh phí đầu tư xây dựng trường mới quá lớn. Trước tình trạng học sinh phải học ca 3 tại Trường tiểu học Trảng Dài, đầu năm 2010 UBND TP. Biên Hòa lại có chủ trương xây dựng Trường tiểu học Trảng Dài 2 tại khu phố 2. Nhưng đến nay dự án mới chỉ thăm dò và giới thiệu địa điểm quỹ đất.
Để tránh học ca ba, Trường tiểu học Trảng Dài đã phải tận dụng tất cả diện tích, phòng ốc có trong trường để dạy học. Học sinh đông, giáo viên chịu áp lực quá tải triền miên, đã làm ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học. Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy học sinh lớp 1 của trường, cho rằng: "Với số học sinh quá đông trong một lớp, giáo viên quá vất vả trong việc quản lý, tiếp xúc gần gũi học sinh, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Học sinh bị thiệt thòi vì khó có thể hỏi cô về những vấn đề chưa hiểu trong bài giảng".
Niềm vui xóa lớp học ca ba của những gia đình có con đang học ở Trường tiểu học Trảng Dài mới chưa tròn được 1 năm học thì giờ đây nỗi lo con học lệch múi giờ (học ca ba) lại đang đè nặng. Nếu ngay bây giờ chính quyền địa phương và các cấp, các ngành không bắt tay đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học mới thì khả năng học ca ba của học sinh Trảng Dài sẽ không dừng lại ở một vài năm học tới.
Theo Hà Châu (Báo Đồng Nai)