Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Gian nan truyền tải điện mùa nước nổi
Dùng xuồng kiểm tra dọc tuyến đường dây mùa lũ - Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo gồm 2 mạch dài 26,4 km với 84 trụ cột được kết lưới từ TBA 220 kV Châu Đốc, tỉnh An Giang tới TBA 220 kV Tà Keo bên phía bạn Campuchia. Đây là đường dây có nhiệm vụ quan trọng truyền tải điện xuất khẩu từ Việt Nam sang Campuchia với sản lượng điện truyền tải từ khi đường dây đi vào vận hành đến nay đạt 7,96 tỷ kWh.
Có dịp trực tiếp cùng anh em công nhân Đội truyền tải điện Châu Đốc đi xuồng kiểm tra dọc tuyến đường dây trong mùa nước nổi, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những vất vả, khó khăn mà những người thợ truyền tải điện nơi này đã và đang phải đối mặt. Ít ai có thể hình dung được chỉ cách đây vài tháng dưới những khoảng trụ điện, đường dây đang vươn dài trên mênh mông sóng nước kia là những cánh đồng lúa bát ngát, màu mỡ. Năm nay lũ về sớm và lớn nhất trong vài năm trở lại đây, chính vì vậy nhiệm vụ của những người thợ truyền tải điện trong mùa lũ về càng nặng nề hơn.
Theo Kỹ sư Hồ Trần Hải Đăng, Đội trưởng Đội truyền tải điện Châu Đốc: Lũ về làm 2/3 vị trí trụ của đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo ngập sâu trong nước trung bình khoảng trên 1,5 m, nhiều vị trí trụ giáp cửa khẩu biên giới Tịnh Biên ngập sâu tới 2 m.
“Muốn kiểm tra đường dây mùa nước nổi anh em phải thuê xuồng để di chuyển dọc tuyến. Nếu cắt điện để sửa chữa bắt buộc phải thuê đò xuồng. Mùa nước nổi trước khi kiểm tra cột anh em phải đánh động rắn lục trú trên trụ điện để tránh bị rắn cắn”, anh Đăng cho biết thêm.
Với đặc thù các vị trí trụ thường xuyên bị ngập sâu trong mùa lũ đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo phải có phương án vận hành riêng để bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục và thông suốt.
Theo đó, trước mùa lũ về, những người thợ truyền tải đã phải tiến hành kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng đường dây. Siết lại tất cả các bu lông của trụ điện và sơn lại chân đế để tránh bị rỉ sét khi ngập trong nước. Tại những vị trí cột ngập sâu, khoảng cột mà người dân thường chống xuồng qua lại đều được anh em cắm biển cảnh báo về chiều cao, bảo đảm an toàn, tránh hiện tượng phóng điện gây nguy hiểm cho người dân.
Để bảo đảm truyền tải điện an toàn, liên tục, Đội truyền tải điện Châu Đốc đã thực hiện nghiêm túc lịch kiểm tra đường dây định kỳ ban ngày theo tháng, kiểm tra định kỳ ban đêm theo quý và tăng cường kiểm tra trong các đợt lễ, tết.
Ngoài phương tiện đi lại duy nhất là xuồng thuê của người dân, anh em bắt buộc phải mặc áo phao và trang bị đầy đủ mũ, ống nhòm, dây an toàn và các dụng cụ cần thiết khác khi đi dọc tuyến kiểm tra các vị trí trụ, đường dây.
Trèo kiểm tra cột mùa lũ - Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
“Mùa lũ vậy thôi nhưng khi leo kiểm tra cột vẫn nắng nóng lắm., vào ban đêm lại bị hạn chế tầm quan sát. Khi mới vào nghề leo kiểm tra cột bọn em vẫn chưa tự tin lắm nhưng được các anh đi trước động viên, chia sẻ kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ dây an toàn giờ bọn em quen rồi”, gạt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, Nguyễn Văn Trường, chàng công nhân đã 3 năm gắn bó với đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo cho biết.
Theo ông Châu Sóc Kha, Phó giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3, sau gần 9 năm đi vào vận hành đến nay với sự nỗ lực của những người thợ truyền tải điện, đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo đã không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn truyền tải sản lượng điện xuất khẩu sang Campuchia.
Học tiếng Khmer để tuyên truyền vận động đồng bào
Đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo chạy dài qua địa bàn Tịnh Biên, Châu Đốc, tỉnh An Giang giáp khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Vì vậy muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì người thợ truyền tải nơi đây phải biết tiếng Khmer, nắm được phong tục, tập quán của người Khmer.
Ý thức được tầm quan trọng đó, Truyền tải điện miền Tây 3 đã thường xuyên tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer cho cán bộ, nhân viên TBA 220 kV và Đội truyền tải điện Châu Đốc.
Riêng Đội truyền tải điện Châu Đốc có 16 công nhân thì đến nay đã có 10 người cơ bản biết tiếng Khmer có khả năng giao tiếp với đồng bào.
“Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho anh em trong việc kiểm tra tuyến, tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp mà còn giúp chúng tôi trao đổi với phía bạn Campuchia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiến hành ghi, chốt chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện”, Đội trưởng đội Truyền tải điện Châu Đốc Hồ Trần Hải Đăng cho biết.
Sau gần 2 năm gắn bó với đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo, vốn là người Khmer nên Thái Hà Sơ Ni cảm thấy rất tự tin khi tuyên truyền, vận động bà con người Khmer vùng giáp biên giới Tịnh Biên thực hiện các quy định về bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, cùng chung tay, góp sức bảo vệ an toàn cho lưới điện truyền tải quốc gia.
“Biết ngôn ngữ của đồng bào giúp tôi thuận lợi hơn trong giao tiếp, tuyên truyền vận động người Khmer hiểu và chấp hành quy định của Nhà nước về phạm vi hành lang an toàn lưới điện. Tôi sẽ cố gắng hướng dẫn tiếng Khmer nhiều hơn nữa cho anh em trong đội để phục vụ công việc”.
Cùng với đó, Truyền tải điện Châu Đốc phối hợp tốt với bộ đội biên phòng, công an và chính quyền địa phương trên địa bàn thường xuyên kiểm tra an toàn hành lang tuyến, nhất là khu vực gần biên giới. Mọi hoạt động đều được tiến lồng ghép với công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp
Chia tay những người thợ truyền tải điện vùng biên viễn mùa nước nổi chúng tôi mang theo những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về những công việc thầm lặng của họ. Vượt qua những khó khăn, thử thách giữa mênh mông sóng nước, những trụ điện, đường dây 220 kV Châu Đốc-Tà Keo vẫn vững chãi, hiên ngang giữ vững “mạch máu” truyền tải điện cho nước bạn Campuchia.
Toàn Thắng