Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời câu hỏi "Liệu có phải nền kinh tế Việt Nam đang thực sự phục hồi?", TS. Cấn Văn Lực khẳng định: Số liệu cho thấy đúng như vậy.
Kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (tăng trưởng GDP 4 quý lần lượt là 3,28%, 5,6%, 5,92%, và 6,72%) và cả năm đạt 5,05% là mức khá so với các nước trong khu vực và thế giới; dù thấp hơn mục tiêu đề ra là 6-6,5%, nhưng đây là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (2,9%) và mức bình quân của khu vực ASEAN (4,3%).
Trong đó, có 5 dấu hiệu cho thấy phục hồi: Sản xuất công nghiệp phục hồi từ mức âm -8% đầu năm lên mức +3% cuối năm. Xuất khẩu dần phục hồi (từ mức âm -26% đầu năm lên mức âm -4,4% cuối năm). Đầu tư công đạt kỷ lục, tăng 21,2% so cùng kỳ, hết tháng 01/2024 có thể đạt 95% mức Thủ tướng giao; thu hút FDI mới tăng 32%, giải ngân FDI tăng 3,5%. Du lịch phục hồi khá tốt và nông nghiệp vượt khó ấn tượng.
Đặc biệt khối doanh nghiệp dù còn khó khăn nhưng cũng đang nỗ lực vượt qua và có tín hiệu phục hồi. Hết quý I/2023, lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường còn ít hơn lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng đến hết năm đã gấp 1,3 lần.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Có 4 dấu hiệu quan trọng: Lạm phát bình quân cả năm tăng 3,25% (lạm phát toàn cầu tăng 5,5%), lạm phát cơ bản tăng 4,16% (từ mức tăng trên 5% hồi đầu năm), chứng tỏ lạm phát của Việt Nam giảm bền vững.
Tỉ giá cơ bản ổn định (cả năm tăng 2,6%) trong khi nhiều đồng tiền còn mất giá khá nhiều và đang ổn định hơn; thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam cơ bản ổn định, trong tầm kiểm soát trong bối cảnh một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy Sĩ bị phá sản hồi cuối quý I/2023.
Thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ luôn nằm trong giới hạn cho phép và ở mức thấp so với các nước tương đồng. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, chuỗi cung ứng được duy trì; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang dần ổn định, dù còn nhiều khó khăn… Những yếu tố này cộng với triển vọng tăng trưởng kinh tế đã khiến Tổ chức Fitch nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam gần đây lên BB+.
Thêm vào đó, công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu quan trọng; vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao với hàng loạt chuyến thăm cấp cao và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nâng tầm và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Trung Quốc cùng với việc hoàn thành tốt nhiều vai trò quan trọng tại Liên Hợp Quốc, ASEAN.
Để có được kết quả như trên, theo TS. Cấn Văn Lực: "Chúng ta đã phản ứng chính sách kịp thời, với các chính sách hỗ trợ có thể nói tương tự như hồi dịch COVID-19".
Trong đó, với chính sách tài khóa, chúng ta thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí năm 2023 với tổng quy mô khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng (Ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 78.000 tỷ đồng); tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết tháng 6/2024 và đang xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 .
Với chính sách tiền tệ, chúng ta quyết định kịp thời đảo chiều chính sách, từ chắc chắn, thận trọng sang "nới lỏng, linh hoạt". Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành năm 2023 nhằm giảm lãi suất huy động vốn và cho vay; cho phép cơ cấu lại nợ, sửa đổi 1 số thông tư, qua đó tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Cả năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,7%, sát mục tiêu đề ra và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế... Mặt bằng lãi suất giảm 2-3%, tỉ giá cơ bản ổn định.
Thêm vào đó, Quốc hội, Chính phủ quan tâm hoàn thiện thể chế, quy hoạch với nhiều đạo luật quan trọng được ban hành (nhất là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, sắp tới là Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…); cùng với việc hàng loạt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh được ban hành. Đồng thời, nhiều chính sách, quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, đất đai, xây dựng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, du lịch…
"Bài học cuối cùng là chúng ta đã có được sự đồng lòng, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị; trong đó, từ chủ trương, định hướng của Đảng được luật hóa, được hành pháp và chấp pháp đồng bộ; đặc biệt là sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Đây là điểm rất đáng quý thời điểm hiện nay", TS. Cấn Văn Lực nói.
Đưa ra nhận định cho năm 2024, TS. Cấn Văn Lực cho biết: Với thế giới và cả Việt Nam dự kiến còn đối mặt rất nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, với 6 từ mà hiện nay nhà đầu tư đang đồng thuận là "Rủi ro, bất định, thận trọng".
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự báo tăng khoảng 2,4-2,9% (giảm nhẹ từ mức khoảng 3% năm 2023); lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm và lãi suất toàn cầu bắt đầu giảm, nhưng còn neo cao. Rủi ro tài chính, tiền tệ và nợ trên thế giới còn cao. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rủi ro chuỗi cung ứng còn hiện hữu…
"Những yếu tố này đều có tác động tiêu cực đến Việt Nam. Tuy nhiên, với đà phục hồi thời gian qua và nỗ lực, quyết tâm cao hơn, tôi cho rằng khả năng Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát tăng 3,5-4% là khả thi", TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Trong khuôn khổ Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra 5 kiến nghị giải pháp:
Một là, cần phát huy tốt hơn các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư-nhất là đầu tư tư nhân (chỉ tăng 2,7% năm 2023 là mức rất thấp so với bình thường tăng khoảng 7-8%), kích cầu tiêu dùng khi mà tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52%-thấp hơn nhiều so với mức tăng 6-7% trong điều kiện bình thường).
Đồng thời, quan tâm khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng-chiếm khoảng 32% GDP cả nước năm 2023, nhằm tăng tính lan tỏa kinh tế vùng…).
Hai là, tiếp tục duy trì các chính sách như năm 2023, theo hướng chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm kiểm soát lạm phát, bình ổn tỉ giá, lãi suất và thị trường tài chính-tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản).
Ba là, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu (trong bối cảnh nợ xấu gia tăng), góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, giảm mạnh chi phí vận hành.
Bốn là, tăng cường hoàn thiện và thực thi thể chế, trong đó sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện các luật quan trọng như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi,... góp phần tạo điều kiện cho các thị trường đất đai, bất động sản, tài chính-ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và bao trùm.
Đồng thời, chú trọng hoàn thiện thể chế, khung pháp lý (gồm cả cơ chế Sandbox) cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thị trường tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen...
Năm là, cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động (xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia), tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
"Cuối cùng, cần luật hóa, cụ thể hóa cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung, giảm tùy tiện và hình sự hóa quan hệ kinh tế, như thế mới bảo đảm mục tiêu kép: "phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế-xã hội" song hành", TS. Cấn Văn Lực đề nghị.
Phan Trang