Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trường Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo dục mầm non là sự chuẩn bị cho trẻ thơ những tiền đề quan trọng về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ và hình thành những yếu tố đầu tiên về nhân cách trước khi bước vào nhà trường phổ thông.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm thỏa đáng để phát triển giáo dục mầm non. Trong bối cảnh hiện nay, Quyết định số 60/2011/QĐ–TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015 có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất là đảm bảo sự quan tâm đồng bộ trẻ em (người học), giáo viên và điều kiện đảm bảo.
Thứ hai là đảm bảo tính khả thi cao. Bởi, chính sách được đặt trong giai đoạn ngắn hạn (giai đoạn 2011 – 2015) sẽ hạn chế những tác động của yếu tố khách quan, đánh giá được những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện qua sơ kết, từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển quy mô, chất lượng giáo dục mầm non.
PV: Thời gian qua, dư luận đã từng nêu về trường hợp giáo viên mầm non hợp đồng bị thiệt thòi về chế độ chính sách, dẫn đến phải bỏ nghề, trong khi có địa bàn lại thiếu giáo viên. Vậy theo ông với quy định mới tại Quyết định 60/2011/QĐ-TTg nêu “giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non; được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ” sẽ giúp giải quyết tương đối thực trạng trên không?
Ông Trần Kim Tự: Với chính sách như trên, giáo viên mầm non hợp đồng từng bước được đảm bảo chế độ chính sách từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và với việc hỗ trợ từ ngân sách thì tính ổn định cũng được đảm bảo. Cũng bởi vậy, chắc chắn họ sẽ yên tâm công tác và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong các trường mầm non công lập cũng như dân lập.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non có thêm điều kiện đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các cấp tiếp tục tuyển dụng giáo viên mầm non, đảm bảo đủ định biên theo chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non tại Thông tư 48/2011/TT- BGDĐT ngày 25/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV: Quyết định 60/2011/QĐ – TTg cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt về phát triển giáo dục mầm non đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu công nghiệp và chế xuất – nơi có nhiều công nhân, người lao động tập trung đông ra sao, thưa ông?
Ông Trần Kim Tự: Quyết định 60/2011/QĐ–TTg quy định rất rõ trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường rà soát, quy hoạch mạng lưới, quy mô trường, lớp; dành diện tích xây dựng trường mầm non khi phê duyệt thành lập các khu dân cư mới, khu đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp; thúc đẩy tiến độ xây dựng các trường công lập ở những phường, xã chưa có trường mầm non; đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường công lập đang xuống cấp.
Bên cạnh đó, phối hợp các nguồn vốn của trung ương, địa phương, nguồn vốn của Chương trình kiên cố hóa trường học, Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo và nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ để đầu tư hoàn thiện mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non.
Ưu tiên thành lập và xây dựng mới các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở vùng nông thôn, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và các xã, phường có mức sống thấp của thành phố, thị xã.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Diên
Tin liên quan:
Chính sách mới phát triển giáo dục mầm non