Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 19/6, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện địa phương có 2.116 tàu cá đã được đăng ký, trong đó có 843 chiếc tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 m; 631 tàu có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m; 602 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m và 40 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên. Tổng sản lượng khai thác thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 38.000 tấn.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành và địa phương liên quan triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp nhiệm vụ chống khai thác IUU đến tất cả các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tham gia khai thác thủy sản. Nhờ đó, ngư dân trong tỉnh đã từng bước thay đổi nhận thức, chấp hành các khuyến nghị của EC.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 99,1% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu còn lại chưa lắp đặt do đang nằm bờ hoặc vừa mới mua lại từ ngoại tỉnh, đang trong thời gian sữa chữa, cải hoán.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và thực thi pháp luật. Nhiều tàu cá bị xử phạt đã tạo được sự răn đe để các chủ tàu khác chấp hành nghiêm các quy định.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có nhóm tàu câu mực khơi có nguy cơ cao khai thác ở vùng biển nước ngoài nên các ngành chức năng và địa phương liên quan đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên biển đúng quy định.
Do đó từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.
"Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành thủy sản của tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế như việc giám sát sản lượng hải sản khai thác qua cảng còn thấp so với tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh do khu vực phía bắc chưa có cảng cá chỉ định. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bốc dỡ thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đảm bảo.
Ngoài ra, tình trạng mất kết nối tín hiệu giám sát hành trình trên biển đối với các tàu làm nghề câu mực khơi vẫn còn. Vi phạm giám sát hành trình trên biển khi về bờ mới xác minh nên tính chính xác không cao.
Bên cạnh đó, có nhà cung cấp không chịu xác minh trực tiếp mà chỉ theo dõi trên hệ thống dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện trong dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự", Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam thông tin.
Tại Quảng Nam, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đi kiểm thực tế tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành. Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng khai thác thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, tuy tỉ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ở tỉnh Quảng Nam đã đạt khá cao nhưng tỉ lệ duy trì kết nối vẫn còn thấp. Do đó, Quảng Nam cần kiểm tra, rà soát lại tình trạng những tàu cá này.
"Qua thống kê, số lượng tàu cá vào các cảng ở Quảng Nam cũng còn khá khiêm tốn, tỉ lệ sản lượng giám sát chỉ đạt 10,7%, trong khi đó, EC rất quan tâm đến vấn đề này. Địa phương phải tập trung kiểm tra, bổ sung thêm người cho cảng cá để hướng dẫn ngư dân phân loại cá, quản lý, giám sát cảng cá bốc dỡ sản phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận trong khai báo sản lượng…", ông Vũ Duyên Hải đánh giá.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối toàn diện. Khi đi vào thực thi pháp luật còn có những nội dung mà chúng ta phải cố gắng, đó là quản lý đội tàu, giám sát đội tàu.
Bộ NN&PTNT đã đề nghị tỉnh Quảng Nam tập trung nguồn lực để giải quyết những tàu cá vi phạm 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, Quảng Nam cũng đã thực hiện tương đối tốt. Đồng thời địa phương cũng thực hiện nghiêm túc trong xử lý các tàu cá vi phạm.
"Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có những chuyển biến rất tích cực, nhưng để gỡ thẻ vàng thì chưa đạt yêu cầu, cần phải nỗ lực thêm.
Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo chặt chẽ của của địa phương thì thời gian tới, đặc biệt là trước khi EC vào thanh tra lần thứ 5, Quảng Nam sẽ là tỉnh đi đầu trong cả nước về tháo gỡ thẻ vàng IUU", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Lưu Hương