• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tự chủ BV toàn diện – Khó ở đâu?

(Chinhphu.vn) – Theo Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2019, có 4 bệnh viện (BV) tuyến cuối của cả nước được giao thí điểm tự chủ toàn diện. Tuy nhiên, chỉ có 2 BV là Bạch Mai và BV K thực hiện thí điểm theo mô hình này. Sau thời gian 2 năm thí điểm, cả 2 BV đều đề xuất xin dừng thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP và đề xuất được thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ở nhóm 2 – đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

25/08/2022 08:00
Tự chủ BV toàn diện – Khó ở đâu? - Ảnh 1.

Các máy xạ trị hiện tại của BV K đều phải hoạt động hết công suất, từ 5h sáng đến 22h đêm.

Tự chủ nhưng chưa có thay đổi nhiều

Sau khi BV Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ BV toàn diện tại buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (ngày 18/8), BV K cũng đề xuất xin dừng triển khai thí điểm tự chủ BV toàn diện sau 2 năm thực hiện thí điểm.

Lãnh đạo cả 2 BV đều cho rằng, BV gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện thí điểm mô hình này.

GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, khi triển khai thí điểm tự chủ BV toàn diện, một số ‘quyền’ về tự chủ chưa được quy định rõ ràng như chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý, Đảng ủy, Ban Giám đốc; chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và đặc thù cho BV triển khai thí điểm tự chủ, gọi là tự chủ nhưng chưa có thay đổi nhiều.

Giá dịch vụ y tế cũng chưa được tính đúng tính đủ; giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc vay vốn, huy động vốn nên các đơn vị không dám thực hiện.

Trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn thu của BV bị sụt giảm khoảng 35- 40%, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Đây cũng là một khó khăn lớn của BV về mặt tài chính. 

Về tự chủ trang thiết bị y tế, hệ thống máy móc, mặc dù quy định cho phép BV được đầu tư nhưng BV chưa có nguồn vốn để đầu tư. "Trong 2 năm thực hiện, chúng tôi chưa mua thêm được hệ thống máy móc trong chẩn đoán và điều trị", GS Lê Văn Quảng cho biết. 

Lãnh đạo BV K giải thích, máy móc, thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền. Máy móc đắt nhất hiện nay là hệ thống máy xạ trị, giá trung bình khoảng 150 tỷ đồng, các máy khác khoảng 40-50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn các khoản chi cho đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.

"Nếu không có dịch COVID-19, mỗi năm BV cũng tích lũy được khoảng 100 tỷ đồng. Với số tiền này việc mua sắm máy móc, trang thiết bị gặp rất nhiều khó khăn",Giám đốc BV K cho biết.

Hiện nay, 2 cơ sở của BV K có 9 máy xạ trị - số lượng còn quá ít so với nhu cầu người bệnh. Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị chạy cho khoảng 50-70 bệnh nhân/ngày, nhưng với số lượng bệnh nhân đang điều trị BV K hiện nay thì phải cần 6-7 máy nữa mới đủ. Các máy xạ trị hiện tại của BV K đều phải hoạt động hết công suất, từ 5h sáng đến 22h đêm.

GS Lê Văn Quảng cũng chia sẻ: BV K là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, BV cũng phải thực hiện chức năng đào tạo. Nhưng với mô hình tự chủ toàn diện thì học viên đến học có phải đóng tiền không và mức đóng bao nhiêu? Bên cạnh đó, BV cũng phải thực hiện các đề án hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Những chi phí này sẽ do đơn vị nào chi trả. Những bất cập này đều chưa có quy định cụ thể.

Theo GS Lê Văn Quảng, việc tự chủ BV toàn diện sẽ chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay mà cần có  lộ trình.  Nếu tự chủ toàn diện thì phải có nguồn thu mà thu từ người bệnh thì rất khó. Riêng với đặc thù của BV K – cơ sở tuyến cuối, chuyên điều trị bệnh ung thư, căn bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém. 

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cũng cho chia sẻ, trong 2 năm 2020 và 2021, mỗi năm nguồn thu của BV giảm 2.000 tỷ đồng. Hiện tại, toàn bộ nguồn thu của BV đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Bên cạnh đó, đa số các dịch vụ khám chữa bệnh tại BV Bạch Mai hiện đang thu theo giá của BHYT trong khi triển khai thí điểm tự chủ BV; nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh liên kết tại BV đang dừng hoạt động (do có liên quan đến cơ sở pháp lý) nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân… nên BV đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tự chủ toàn diện.

Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai cũng cho rằng, các điều kiện để BV triển khai tự chủ còn thiếu, thậm chí chưa được giao các điều kiện về tự chủ. Ví dụ, BV muốn tuyển dụng một chức danh lãnh đạo khoa, phòng nào thì cá nhân đó vẫn phải có trong quy hoạch thì mới đủ điều kiện đưa lên…

"Trong 2 năm qua BV chưa bao giờ đủ điều kiện thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, tài chính. Vì vậy, BV xin được chuyển đổi mô hình sang thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP cho nhóm 2 – đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, để phù hợp với điều kiện thực tiễn", ông Dương Đức Hùng cho biết.

Cần đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết, chủ trương của Nghị quyết 33/NQ-CP hướng đến 3 mục tiêu rất rõ ràng và đúng đắn, gồm: Phát huy tính chủ động sáng tạo của BV; sử dụng hợp lý các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực và chất lượng khám chữa bệnh, BV phải thực hiện trách nhiệm của xã hội bảo đảm quyền lợi cho những người có thẻ BHYT, người nghèo và các đối tượng chính sách khác; không được để xảy ra tình trạng lạm thu.

Khi thực hiện tự chủ toàn diện, các BV được giao tự chủ về chuyên môn, tự chủ về tổ chức nhân sự, tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, tự chủ về tiền lương và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, hiện nay, các 'quyền' tự chủ này đều chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện.

Ông Quang phân tích, thứ nhất, về vấn đề thực hiện chuyên môn, mặc dù BV được quyết định về quy mô BV theo yêu cầu chuyên môn, căn cứ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để tự quyết định về chỉ tiêu kế hoạch hoạt động, tự quyết định về phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, nhưng việc tự quyết định này phụ thuộc vào các điều kiện cần và đủ do Bộ Y tế quy định. Vấn đề này chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, các BV vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Y tế, thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao, "đặt hàng" nhưng cũng chưa cơ chế pháp lý để thực hiện.

Thứ hai, về tổ chức nhân sự cũng chưa có phân định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng Quản lý và Ban Giám đốc BV nên dễ dẫn đến chồng chéo và các quyết định hoạt động của BV thường chậm.

Bên cạnh đó, Ban Kiểm soát của BV đều là người của BV và do BV trả lương nhưng lại có nhiệm vụ kiểm soát Hội đồng Quản lý và kiểm soát lại hoạt động của Ban Giám đốc, như vậy sẽ không có sự khách quan. Mặt khác, tiêu chí và năng lực của Ban kiểm soát này cũng chưa được quy định rõ ràng.

Thứ ba, về đầu tư mua sắm quản lý tài sản, hiện nay cơ chế mua sắm và đầu tư, đấu thầu các trang thiết bị đều đang vướng và khó thực hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cả 2 BV thí điểm tự chủ toàn toàn diện. Bên cạnh đó, đất của các BV công lập vẫn thuộc quản lý của nhà nước, nếu theo cơ chế tự chủ, các BV này sẽ phải trả tiền thuế đất, tức là 'khó khăn chồng khó khăn'.

Thứ tư, về tiền lương, mặc dù triển khai tự chủ toàn diện nhưng BV vẫn phải trả lương theo bậc lương quy định của nhà nước. Điều này rất khó 'giữ chân' được các bác sĩ giỏi.

Thứ năm, về giá dịch vụ y tế, nếu BV tự chủ toàn diện thì phải để BV tính đúng tính đủ, nhưng hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 2/4 yếu tố cấu thành giá (trước đây là 4/7 yếu tố) chưa tính chi phí về đầu tư, khấu hao… Vì vậy, khi tự chủ toàn diện cũng khó thực hiện. Mặt khác, khi tự chủ toàn diện, BV được triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá của Bộ y tế nhưng Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này.

Đến nay, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, các BV chưa thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 33/NQ-CP. Rõ ràng chủ trương của Nghị quyết rất đúng đắn, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chỉ có 2/4 BV triển khai được, nhưng cả 2 BV này cũng đang xin đề xuất dừng thí điểm triển khai tự chủ toàn diện.

"Chúng ta đang muốn hướng tới mô hình BV tự chủ toàn diện. Đây là một chủ trương đúng đắn, có thể thành công hoặc không, vì vậy cần phải có đánh giá cụ thể từ thực tiễn", ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, từ nay đến đầu tháng 9, BV Bạch Mai và BV K cần phải có báo cáo cụ thể về vấn đề này. BV muốn dừng triển khai tự chủ toàn diện, hoặc thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì BV cần phải phân tích kỹ. Nếu tiếp tục thực hiện tự chủ toàn diện thì có những vướng mắc gì, nếu chuyển hướng thực hiện theo Nghị định 60 thì ưu điểm gì, các hướng dẫn cần có chi tiết như nào… để Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Hiền Minh