• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tự chủ đại học: Đến lúc vượt khỏi cái bóng “xin – cho”

(Chinhphu.vn) - Tự chủ là tinh thần cốt lõi của mọi cuộc cải cách đại học. Nhưng suốt nhiều năm qua, ở Việt Nam, tự chủ thường chỉ là “lý tưởng ghi trong luật” chứ chưa trở thành một thực thể vận hành đầy đủ. Những tranh luận quanh Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi mới đây đã một lần nữa làm lộ rõ khoảng trống giữa lời hứa và hiện thực và làm bật lên câu hỏi: chúng ta thực sự muốn trao quyền, hay chỉ muốn giữ lại quyền quản lý dưới lớp vỏ tự chủ?

12/07/2025 14:43
Tự chủ đại học: Đến lúc vượt khỏi cái bóng “xin – cho”- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đề xuất: ĐHQG được ưu tiên đầu tư phát triển và có quyền làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương khi cần thiết - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Không thể có sáng tạo khi quyền học thuật vẫn bị trói buộc bởi phê duyệt hành chính

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhấn mạnh: "Đại học Quốc gia có sứ mạng là trung tâm phát triển nhân tài, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo… nhưng không được quyền quyết định chương trình đào tạo. Như thế là mâu thuẫn với chính tư cách đặc thù của thiết chế này".

Bà đề xuất luật phải ghi rõ: ĐHQG được ưu tiên đầu tư phát triển và có quyền làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương khi cần thiết – thay vì phải qua tầng nấc trung gian. "Không thể để một thiết chế tầm quốc gia mà quyền tự chủ chỉ tồn tại trong báo cáo" – bà nói.

Từ một góc nhìn khác, GS.TS Phạm Hồng Quang – nguyên Chủ tịch Đại học Thái Nguyên – cảnh báo về sự lãng phí tiềm lực do hành chính hóa quyền học thuật: "Nhiều trường đã có đủ năng lực đào tạo tiến sĩ – từ đội ngũ, hội đồng khoa học đến hợp tác quốc tế – nhưng vẫn phải xin Bộ phê duyệt. Đó là một sự lãng phí tiềm lực và cũng là hình thức hành chính hóa quyền học thuật. Nếu chúng ta không mạnh dạn trao quyền phê duyệt chương trình cho các cơ sở đủ điều kiện, thì đừng nói đến tự chủ".

Một khi quyền học thuật vẫn bị trói buộc bởi phê duyệt hành chính, thì không thể nói đến sáng tạo, cũng như không thể có một nền khoa học đột phá.

Tự chủ phải toàn diện

Tự chủ tài chính, theo đúng nghĩa, phải là quyền tự quyết trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Nhưng trên thực tế, nhiều trường đại học vẫn bị khống chế bởi khung học phí, giới hạn đầu tư và cả nghĩa vụ thuế.

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nêu rõ nghịch lý: "Trường đã tự chủ thì phải được tự quyết học phí, được miễn thuế như các đơn vị công ích, và có quyền sử dụng nguồn thu để tái đầu tư. Nếu vẫn quản lý theo kiểu ngân sách, thì tự chủ tài chính sẽ không có thực quyền". 

Tự chủ đại học: Đến lúc vượt khỏi cái bóng “xin – cho”- Ảnh 2.

TS Lê Trường Tùng cho biết, tự chủ tài chính phải có thực quyền - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Tự chủ tài chính mà vẫn phải "xin – duyệt" học phí, vẫn bị tính thuế như doanh nghiệp và không được dùng ngân sách của chính mình – thì thực chất chỉ là tự lo, không phải tự chủ.

Một rào cản pháp lý khác đang khiến nhiều thiết chế bị gạt ra ngoài cuộc chơi tự chủ: danh xưng. Nhiều viện nghiên cứu, học viện… dù đang đào tạo đại học và sau đại học, nhưng không được công nhận là "cơ sở giáo dục đại học" chỉ vì không có chữ "trường" trong tên gọi. Điều đó khiến họ không thể tự mở ngành, cấp bằng, hay được trao quyền như các trường khác – dù năng lực có thể vượt trội.

Đó là hệ quả của một tư duy pháp lý trọng hình thức hơn nội dung, dẫn tới nghịch lý: năng lực thực bị phủ định bởi một cái tên.

Luật sửa: Có dám trao quyền thực chất?

Lắng nghe toàn bộ các góp ý, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đại diện Ban soạn thảo, cho biết dự thảo lần này đã có nhiều điều chỉnh lớn nhằm tiếp cận đúng tinh thần tự chủ.

"Luật hiện hành đang chia tự chủ thành các mức độ khác nhau, khiến một số trường bị giới hạn quyền tự quyết theo cách hành chính hóa. Dự thảo lần này tiếp cận theo nguyên tắc: tự chủ là quyền tự quyết định, đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng của cơ sở giáo dục đại học". 

Tự chủ đại học: Đến lúc vượt khỏi cái bóng “xin – cho”- Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết dự thảo lần này đã có nhiều điều chỉnh lớn nhằm tiếp cận đúng tinh thần tự chủ - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Ông Thảo cũng khẳng định dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh: không chỉ các trường mang tên "đại học", mà cả các đơn vị có hoạt động đào tạo trình độ đại học bao gồm viện nghiên cứu, học viện… đều có thể được luật công nhận và trao quyền tương xứng.

Ngoài ra, dự thảo còn thiết kế thêm các công cụ học thuật hỗ trợ tự chủ, như: chương trình tích hợp (liên thông đại học – thạc sĩ – tiến sĩ), cấp chứng chỉ mô-đun, và điều chỉnh chuẩn đầu ra theo ngành nghề.

"Cốt lõi của đổi mới lần này là sự dịch chuyển từ mô hình 'xin phép – cấp phép' sang mô hình 'trao quyền – kiểm soát bằng trách nhiệm và chuẩn chất lượng'", ông Thảo nói.

Nếu tiếp tục xem tự chủ như một "quyền được cấp" thay vì một "năng lực mặc định của mọi trường đại học", thì nền giáo dục đại học sẽ mãi vận hành trong cơ chế xin – cho, trì trệ và bất bình đẳng. Điều cần ở dự thảo này không chỉ là các nguyên tắc đúng, mà là các cơ chế đủ mạnh để bảo vệ quyền đã trao.

Nếu luật còn né tránh câu hỏi: "Ai quyết định chuyên môn trong trường đại học?", thì tự chủ sẽ mãi là khẩu hiệu, không phải hành động. 

Thu Trang