Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các phương tiện thông tin đại chúng đang đăng tải các ý kiến bày tỏ không đồng tình với dự thảo Thông tư mới của Bộ Công Thương quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia.
Ảnh minh họa |
Dư luận cho rằng dự thảo quy định quá chi tiết về điều kiện đối với những cơ sở này, chẳng hạn như chuyện quán bia phải bảo đảm nhiệt độ trong quán không quá 30 độ C. Dư luận cho rằng những quy định như vậy là không khả thi, thiếu thực tiễn, mang tính “máy lạnh”.
Thực tế, dự thảo lần trước của Bộ Công Thương thậm chí còn có những quy định chi li hơn nhiều, chẳng hạn như quán bia phải có 1 nhà vệ sinh đủ chỗ cho 25 khách, có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở nơi dễ nhìn!
Trả lời báo chí, lãnh đạo Vụ chức năng của Bộ Công Thương cho biết giới hạn nhiệt độ này hướng đến điều kiện làm việc hợp lý cho nhân viên lao động cũng như bảo vệ sức khỏe cho họ và người tiêu dùng. Và quy định nhiệt độ phải dưới 30 độ C cũng không khó để đáp ứng, chỉ cần quạt thông gió, một vài quạt cây, treo tường thông thường. Những lý do đó là hoàn toàn chính đáng và cũng không khó để thực hiện, thế thì tại sao quy định lại bị phản ứng?
Vấn đề ở đây là dường như cơ quan chức năng đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, vào những phạm vi mà thị trường có thể tự điều tiết. Thực tế, các quán bia luôn phải cạnh tranh nhau và mát mẻ rõ ràng là một tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các thực khách, nếu quán bia quá nóng bức thì cũng chẳng có khách nào tìm đến. Và giả sử khi nhiệt độ quá cao, ảnh hưởng đến chất lượng bia, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gây ra những vụ ngộ độc thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc, xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Nhìn rộng ra, điều kiện kinh doanh nói chung đang là một vấn đề thời sự với dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được Chính phủ trình ra Quốc hội theo tinh thần bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân. Trong quá trình thảo luận, không ít ý kiến đã thống nhất cho rằng quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện chính là “linh hồn” của Luật Đầu tư mới nếu chúng ta muốn tạo một làn sóng đầu tư, kinh doanh mới, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Điều kiện kinh doanh là cần thiết đối với một số ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người; xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng... Nhưng mặt khác, cũng phải có những ”chốt chặn” để tránh sự lạm quyền của các cơ quan chức năng trong việc ban hành điều kiện kinh doanh, gây cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Rà soát về điều kiện kinh doanh phục vụ việc xây dựng dự án Luật trên, nhóm công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bốn tiêu chí rà soát là tính hợp pháp, tính cần thiết, tính hợp lý và tính rõ ràng, cụ thể. Trong đó, nếu ngăn ngừa hoặc hạn chế được các nguy cơ phát sinh từ hoạt động kinh doanh bằng các giải pháp thị trường thì điều kiện kinh doanh đó là không cần thiết. Mặt khác, nếu một quy định áp đặt các điều kiện kinh doanh quá mức cần thiết, áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc… thì cũng không được xem là hợp lý và cần sửa đổi.
Có thể vẫn còn tranh cãi, nhưng những tiêu chí này đã tương đối rõ ràng để đánh giá xem điều kiện kinh doanh nào đó có cần sửa đổi hay bãi bỏ. Dự thảo Luật Đầu tư mới nhất trình Quốc hội cũng quy định rõ: Các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải cụ thể, minh bạch, công khai và không làm cản trở quyền tự do kinh doanh.
Đã đành là làm như vậy sẽ khó hơn cho các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, nhưng như Thủ tướng đã nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ rà soát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện: ”Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn”. Chỉ như vậy, mới huy động được tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước.
Hà Chính