Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi - tác giả áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo. Ảnh: Từ điển Bách khoa |
Sau 20 năm bị quân xâm lược nhà Minh đặt ách thống trị tàn ác, năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ ở Thanh Hóa, trải 9 năm chiến đấu ngoan cường mới đuổi hết được giặc Minh ra khỏi bờ cõi.
Ngày 13/9/1426, theo kế hoạch tiến quân ra Bắc của Lê Lợi-Nguyễn Trãi, đạo quân thứ nhất thắng một trận lớn ở Ninh Kiều (địa bàn vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay) là nơi ghi dấu chiến công của các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triệu mở đường tiến vào phía Tây-Nam thành Đông Quan do tướng giặc là Trần Trí cố thủ.
Ngày 20/10/1426, Trần Trí cho quân đánh nống ra nhằm giải vây cho thành Đông Quan, nhưng bị quân ta mai phục ở phía tây cầu Nhân Mục (nay là Cống Mọc, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Hơn 1.000 quân cùng nhiều tướng giặc bị tiêu diệt. Trận cầu Nhân Mục là một chiến thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn phá tan âm mưu phản công giải vây cho thành Đông Quan (tên gọi Thăng Long thời giặc Minh đô hộ) của quân Minh, đẩy chúng tiếp tục lâm vào thế bị động và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đêm 22/11/1426, nghĩa quân Lam Sơn do đích thân Lê Lợi chỉ huy mở cuộc tiến công lớn, đánh vào các căn cứ phòng vệ ngoại vi ở ngoài thành Đông Quan của giặc Minh. Theo chiến thuật vu hồi, Lê Lợi-Nguyễn Trãi đã đưa một cánh quân đặc biệt vòng qua sông Hồng sang phía bên đất Gia Lâm, đóng bản doanh ở Bồ Đề để chặn đường về của quân địch.
“Nhong nhong ngựa ông đã về/Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn” là câu ca dao còn lưu truyền đến ngày nay, thể hiện sự tham gia của nhân dân ủng hộ nghĩa quân đánh giặc.
Không chỉ vây chặt quân Minh và cô lập chúng trong thành Đông Quan, Lê Lợi-Nguyễn Trãi còn có tầm nhìn xa chiến lược, bố trí lực lượng lên phía Bắc, chờ diệt viện binh của quân địch chắc chắn sẽ từ phương Bắc kéo sang.
Quả nhiên, tướng giặc Liễu Thăng vừa đến Lạng Sơn đã gặp phục binh ta chờ sẵn tại Chi Lăng. Liễu Thăng bị chém chết ngay tại trận. Quân ta lấy được ấn tín của tên tướng giặc, hỏa tốc đưa lên Lào Cai trao luôn cho tướng giặc Mộc Thạnh. Tên tướng này đã định vượt biên giới, hình thành một mũi thứ hai men theo sông Hồng để cùng với Liễu Thăng giải vây cho Vương Thông ở thành Đông Quan. Nhưng ý đồ không thành, thấy Liễu Thăng đã thất trận và bị quân ta tước mất ấn tín, Mộc Thạnh kinh hoàng kéo quân ngay về nước.
Ngày 10/12/1427, Vương Thông bị hoàn toàn cô lập trong thành Đông Quan, phải gửi thư ra cho Nguyễn Trãi xin bãi binh về nước.
Sau đó, một Hội thề được tổ chức ở địa điểm chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu ngày nay). Dẫn đầu đoàn nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi. Dẫn đầu phái đoàn quân Minh là Vương Thông. Bài văn Hội thề do Nguyễn Trãi soạn được tuyên đọc. Vương Thông cam kết rút hết quân về nước, thời gian được ấn định từ ngày 29/12/1427.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kẻ xâm lược đã phải “uống máu ăn thề” xin rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược. Với tinh thần nhân đạo, nghĩa quân Lam Sơn đã cung cấp đầy đủ lương thực, thuốc men, xe, ngựa cho đám bại binh được hồi hương toàn vẹn.
Truyền thuyết lịch sử Vua Lê trả gươm cho thần Kim Quy trên hồ Thủy Quân (về sau hồ mang tên Hoàn Kiếm) sau khi dẹp tan giặc Minh là một truyền thuyết đẹp đã nói lên ý chí chiến đấu vì chính nghĩa cũng như nguyện vọng hòa bình của dân tộc ta.
Dấu ấn nhà Lê tại Thăng Long
Tháng 4/1428, Lê Lợi từ dinh Bồ Đề vào thành Đông Đô.
Ngày 24/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế khi cả nước đã sạch bóng quân thù. Lấy niên hiệu là Thuận Thiên (thuận lòng trời) khôi phục quốc hiệu Đại Việt, mở đầu cho một triều đại mới, triều đại nhà Hậu Lê đã khai sinh cho một thời đại Phục hưng rực rỡ trong lịch sử nước ta.
|
Đôi rồng đá bên thềm điện Kính Thiên. Ảnh: Từ điển Bách khoa |
Tập bản đồ sớm nhất của Thăng Long-Hà Nội còn lại đến ngày nay được vẽ dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497) được gọi là Hồng Đức bản đồ, trong đó có bản đồ thành Đông Kinh (tên gọi thành Thăng Long) thời vua Lê Thái Tổ.
Vòng thành ngoài vẫn mang tên gọi là Đại La. Vòng thành thứ 2 được gọi là Hoàng thành. Năm 1516, Lê Tương Dực cho mở rộng Hoàng thành về phía Đông. Hoàng thành xây bằng gạch đá, trên có ụ bắn. Thành mở các cửa: cửa Đông (Đông Hoa) nhìn ra phố Hàng Cân, Hàng Đường hiện nay. Cửa Nam (Đại Hưng) khoảng phố Cửa Nam hiện nay. Đến đời Lê Thánh Tông, cửa chính là cửa phía Nam gọi là Đoan Môn.
Phần còn lại đến nay của một kiến trúc lớn trong cung thành thời Lê Sơ trên mặt đất chỉ là đôi rồng đá chạm trổ khá đẹp ở hai bên bậc thềm cũ. Công trình kiến trúc xưa ấy là điện Kính Thiên, được xây dựng lại vào năm 1428 dưới thời Lê Thái Tổ. Điện Kính Thiên là nơi lúc đầu được dùng vào lễ tế Trời. Trước điện Kính Thiên, có điện Thị Triều, nơi các quan vào triều yết nhà vua, bên trái có điện Vạn Thọ là nơi vua ở, bên phải là điện Chí Kính, nơi ở của Thái Hậu.
Đến năm 1467, vua Lê Thánh Tông cho làm thêm hai lan can bằng đá chạm rồng ở hai bên thềm điện Kính Thiên. Trải qua bao biến thiên, đến nay trên mặt đất vẫn còn hai con rồng đá chạm trổ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc điển hình thời Lê.
Năm 1491, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng một ngôi đình làm nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình. Đình ấy được gọi là đình Quảng Văn, tọa lạc ở phía Nam cửa Đại Hưng (nay là góc phố Cửa Nam)
Thế kỷ XV, một đài quan sát trăng sao đã được xây dựng, gọi là đài Khâm Thiên Giám. Đây là đài quan sát thiên văn đầu tiên của nước ta, nơi làm việc của quan Khâm Thiên Giám quan sát thiên văn và làm lịch.
Năm 1466, vua Lê Thánh Tông lập khu vực hành chính đặc biệt ở kinh kỳ, gọi là phủ Trung Đô, đến năm 1469 đổi tên là phủ Phụng Thiên gồm 36 phường. Quy hoạch Thăng Long 36 phường có từ đấy.
Trong đó, phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp; phường Yên Thái làm giấy; phường Nghi Tàm dệt vải và lụa; phường Hàng Đào nhuộm điều; phường Tả Nhất làm quạt; phường Đường Nhân cũng là phường có khách thương sang từ Quảng Đông, Quảng Tây.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông, mở mang việc học được đặc biệt chú ý. Bắt đầu từ khoa thi năm Quý Mùi (1463), vua Lê quy định nghi thức truyền loa xướng danh những người đỗ Tiến sĩ ở ngoài cửa nhà Thái Học, treo bảng vàng mang tên các vị tân khoa Tiến sĩ ở cửa Đông Hoa. Khoa thi này có 4.400 sĩ tử dự thi, lấy đỗ được 44 tiến sĩ. Đích thân Vua Lê Thánh Tông ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước, yên dân và ban cho 3 vị Tam Khôi là Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, Thám hoa Quách Đình Bảo mỗi người một lá cờ thêu danh vị.
Từ năm Hồng Đức thứ 15 (1484), dưới thời Lê Thánh Tông có 10 bia của 10 khoa thi từ 1442 - 1481 được tạo dựng.
Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám là bia ghi tên những Tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất (1442). Người đứng đầu tiên trong danh sách này được khắc tên là Trạng nguyên Nguyễn Trực, người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Văn đề bia là của Đại học sĩ Thân Nhân Trung, có lời khẳng định đầy ý nghĩa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh. Nguyên khí kém, thì thế nước yếu và suy. Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh không ai là không chăm lo xây dựng bồi dưỡng cho nhân tài”.
Hiện nay, tại Văn Miếu-Quốc Từ Giám, còn lưu giữ được 82 tấm bia khắc tên 1.306 Tiến sĩ của cả nước, từ khoa thi 1442 đến khoa thi 1779.
Trần Thái Bình
(Nhà nghiên cứu lịch sử)