• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

“Tư lệnh” ngành Đường bộ và trách nhiệm trả nợ cho dân

(Chinhphu.vn)- Tại buổi khai mạc cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng trải lòng: "Ngành Giao thông còn nợ dân rất nhiều, cần phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa". Trong số này, nếu tính “chi li” thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị “chủ lực” của ngành chiếm khoảng 90% “số nợ” đó.

31/05/2014 12:31

Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc mừng ông Nguyễn Văn Huyện nhận Quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện– “Tư lệnh” ngành Đường bộ đầu tiên được Bộ GTVT lựa chọn bằng thi tuyển đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trước ngày ông chính thức ngồi vào “ghế nóng” (1/6).

Có lẽ chẳng cần phải là người trong ngành mới nhận ra được một loạt món nợ, thậm chí không ít khoản có thể xếp vào diện “nợ xấu” mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm trả cho dân như: Công tác bảo trì, duy tu cầu đường; vấn đề chất lượng công trình, lãng phí trong xây dựng cơ bản; vấn nạn xe quá tải; những yếu kém trong công tác đăng kiểm; đào tạo, sát hạch lái xe; quản lý vận tải, an toàn giao thông… Đây là những “nan đề”, đòi hỏi Tổng cục Đường bộ và trực tiếp là tân Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Huyện phải có lời giải cụ thể.

Nhận trọng trách mới, lẽ đương nhiên là phải triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao để cơ quan đổi mới toàn diện. Tuy nhiên, trong ngổn ngang những công việc trước mắt, bên cạnh những công việc liên quan đến tổ chức nội bộ, ông Huyện lựa chọn: “Làm tươi” công tác bảo trì và “trảm” xe quá tải làm điểm đột phá trong nhiệm kỳ của mình.

Làm mới bảo trì

Chia sẻ về công tác bảo trì, ông Huyện bộc bạch: Kinh phí duy tu, bảo trì giao thông lớn lắm. Mà tiền ấy lấy từ đâu? Từ dân đóng góp cả thôi. Cho nên trách nhiệm của Tổng cục là phải sử dụng đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó.

Thẳng thắn mà nói thì công tác duy tu, bảo trì công trình giao thông còn nhiều hạn chế cả về mặt cơ chế lẫn công nghệ… Thực tế cho thấy, nếu bỏ ra 1 đồng ban đầu để bảo dưỡng kịp thời thì sẽ tiết kiệm được 20 đồng cho việc duy tu bảo trì chậm về sau.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho công tác này chưa được đầy đủ, kịp thời... Do vậy, về mặt chính sách, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế mới về tài chính, về định mức trong công tác bảo trì… để thay thế cho những quy định đã quá cũ, không còn phù hợp.

Bên cạnh những vướng mắc về tài chính, thì yếu kém cơ bản là do công nghệ bảo trì vẫn còn nặng tính “âm lịch”, theo phương pháp truyền thống.

Chính vì vậy, cần phải “làm tươi”, làm mới công tác này theo hướng đa dạng hóa các doanh nghiệp làm duy tu cơ bản, đấu thầu công tác duy tuy, hạn chế giao thầu... Nếu làm được như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể vào tham gia đấu thầu. Qua đó có thể lựa chọn các doanh nghiệp tốt nhất duy tu, bảo vệ hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, Tổng cục đang thực hiện ủy thác công tác bảo trì cho địa phương nhưng chưa nắm được chất lượng bảo trì và an toàn giao thông ở các tỉnh vì chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra. Do vậy, trong thời gian tới Tổng cục sẽ tăng cường hoạt động này. Trên cơ sở đó, tỉnh nào làm tốt thì được khen và tiếp tục nhận thêm công việc, tỉnh nào không làm được thì giao cho tỉnh khác làm tốt hơn. Như thế mới kích thích được các đơn vị bảo trì đầu tư công nghệ hiện đại, mới đổi mới được công tác duy tu, bảo trì.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất để giảm được lao động trực tiếp và xây dựng được những doanh nghiệp duy tu chuyên nghiệp và hiện đại hóa hơn… đảm bảo sử dụng hiệu quả từng đồng vốn.

“Trảm” mạnh xe quá tải

Bên cạnh vấn đề nâng cao chất lượng bảo trì, duy tu công trình đường bộ, thì siết chặt quản lý xe quá tải, nâng cao chất lượng sát hạch cũng là những “món nợ” lớn mà Tổng cục Đường bộ phải trả cho dân.

Nhìn nhận vấn nạn xe quá tải, ông Huyện thẳng thắn: Vì nhiều lý do khác nhau, trong một thời gian khá dài công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã bị buông lỏng.

Mà xe quá tải thì phá đường ghê lắm. Số lượng xe quá tải càng tăng thì tuổi thọ cầu đường càng giảm, nên Tổng cục sẽ làm quyết liệt để lập lại trật tự.

Thực tế, việc “siết” xe quá tải thời gian qua, nhiều chủ xe, doanh nghiệp đã thực hiện tốt. Số liệu thống kê của Bộ GTVT cho thấy hơn 2/3 số tỉnh, thành đã thực hiện khá ổn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhà xe nhận thức chưa tốt, còn có những hành động phản đối tiêu cực như, “né” trạm, gây sức ép “vỡ” trạm mà báo chí đã phản ánh, phê phán không dưới 1 lần.

Chỉ cần làm một so sánh nhỏ: Nếu lợi nhuận thu được từ xe quá tải được 10 tỷ đồng, thì có thể phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để bảo trì hoặc đầu tư mới. Tiền nhân dân đóng góp là phục vụ cho lợi ích chung của toàn dân, không thể vì lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp, ông Huyện nói.

Do vậy, xử lý triệt để vấn đề xe quá tải là yếu tố quyết định để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và cũng là giải pháp thiết thực nhất thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để thực hiện rốt ráo chủ trương này, bên cạnh công tác tuyên truyền, Tổng cục sẽ đề xuất cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số biện pháp mạnh đối với những xe cố tình “né trạm cân”. Ví dụ, nếu khi đi tuần tra thấy xe nào cố tình né trạm từ 1 giờ trở lên thì quay phim, chụp ảnh lại… tiếp đó sẽ tháo biển số xe, không cho lưu hành.

Về lâu dài, để siết xe vận tải, ngăn chặn xe quá tải, sắp tới Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ trình cấp thẩm quyền ban hành quy định mới về quản lý xe tải. Theo đó, tất cả các loại xe tải từ 3,5 tấn trở lên sẽ bị đưa vào “tầm ngắm”. Các xe này sẽ được gắn phù hiệu, lắp thiết bị giám sát hành trình… để quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó, để xử lý vấn nạn xe quá tải từ gốc, Tổng cục cũng siết chặt quản lý công tác kiểm định và công tác hậu kiểm.

Theo đó, ngay từ đầu tháng 5/2014, ngành đã tiến hành thanh tra các đơn vị đăng kiểm và hậu kiểm tại các công ty kinh doanh vận tải (hậu kiểm). Căn cứ kết quả kiểm tra, nếu doanh nghiệp nào sau khi đăng kiểm mà hoán cải, thay đổi kết cấu xe để chở quá tải sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Ông Huyện cho biết thêm, hiện Bộ Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với Bộ Công an, tiến hành thanh tra công vụ đặc biệt ở các đơn vị trực thuộc. Nếu cán bộ, chiến sĩ nào vi phạm, chúng tôi kiên quyết loại ra khỏi ngành. Kết quả thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm sẽ được công bố công khai trên các cơ quan thông tin đại chúng.

Qua Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Huyện mong muốn nhân dân tham gia giám sát, giúp đỡ ngành Giao thông bằng cách nếu phát hiện cán bộ giao thông vi phạm quy định trong quá trình thực thi công vụ thì chia sẻ thông tin với ngành qua đường dây nóng của Bộ GTVT. Tất cả các cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Một mình Tổng cục hay mình ngành giao thông không thể giải quyết được mà chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông cũng phải vào cuộc... Kinh nghiệm cho thấy ở đâu lãnh đạo địa phương quyết tâm thì ở đó việc cân xe được thực hiện tốt, ông Huyện nhấn mạnh.

Trần Mạnh