|
Đội mũ bảo hiểm vì chính mình và cho mọi người - Ảnh minh họa |
Giảm tới 40% số người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương sọ não
Đến nay, cả nước đã thực hiện khá tốt quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên các quốc lộ từ ngày 15/9/2007. Khoảng 95% số người đi xe máy trên quốc lộ đã đội mũ bảo hiểm, trên một số tuyến cao tốc đạt 100%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp hạn chế tai nạn giao thông mấy tháng qua, nhiều địa phương tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương giảm rõ rệt, có địa phương số người đi mô tô, xe gắn máy bị chấn thương sọ não trong các vụ tai nạn giao thông đã giảm tới 40%. Những con số này bước đầu cho thấy, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có hiệu quả.
Quyết tâm nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, vì sức khỏe và tính mạng của người dân và để thực hiện nghiêm, có hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường kể từ 15/12/2007 càng thể hiện rõ hơn khi trước ngày quy định đội mũ bảo hiểm (ngày 10/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện số 1928/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, 64 tỉnh, thành và các Bộ, ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ ích lợi của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2007 tỷ lệ tai nạn giao thông tăng 7,2% nhưng với việc áp dụng quy định đội mũ bảo hiểm từ ngày 15/9, tỷ lệ tai nạn giao thông 11 tháng đầu năm 2007 đã giảm chỉ còn 3,85% so với cùng kỳ năm 2006.
|
Xử phạt không đội mũ bảo hiểm - Ảnh minh họa |
Tại lễ phát động đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy của UBND thành phố Hà Nội ngày 9/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã một lần nữa khẳng định: Chủ trương buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, con số hàng vạn người chết vì tai nạn giao thông hàng năm đang là vấn đề nhức nhối của cả nước. Trong đó, những vụ tai nạn do mô tô, xe gắn máy chiếm tuyệt đại đa số những vụ có người thiệt mạng và tình trạng phổ biến là chấn thương sọ não. Vì vậy, việc đội mũ bảo hiểm để phòng tránh, giảm thiểu những chấn thương liên quan đến đầu được coi là giải pháp cấp bách, hữu hiệu để khắc phục những thiệt hại hết sức vô lý do tai nạn giao thông gây nên.
Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lập các chốt kiểm soát, xử phạt nghiêm người không đội mũ bảo hiểm
Tới thời điểm này, Công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch lập các chốt kiểm soát và xử phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trải rộng trên các quận, huyện từ 15/12.
Hà Nội sẽ có 85 chốt kiểm soát và xử phạt trong khu vực nội thành. Khu vực cửa ngõ thành phố thuộc Cầu Giấy, Thanh Xuân... được tập trung xử lý mạnh. Mỗi điểm xử phạt sẽ có ít nhất một cảnh sát và thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự cùng tham gia xử lý người không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Công an thành phố sẽ huy động khoảng 400 cảnh sát giao thông, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng cảnh sát trật tự, ngành giao thông huy động 180 thanh tra giao thông cùng tham gia kiểm tra.
Từ nay đến 5/1/2008 sẽ là giai đoạn cao điểm xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm tại 85 chốt, kết hợp phân luồng giao thông nhằm giảm tai nạn và ùn tắc. Sau đó, lực lượng công an sẽ duy trì 33 chốt và sẽ bổ sung khi có nhu cầu.
Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với công an 24 quận, huyện đồng loạt tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp không đội mũ bảo hiểm từ 6 giờ sáng 15/12. Ngoài ra, UBND Thành phố cũng chỉ đạo 500 tình nguyện viên thanh niên xung phong hỗ trợ công tác điều hòa giao thông tại các giao lộ trong Thành phố.
Những người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, mô tô vi phạm lần đầu sẽ bị CSGT lập biên bản tạm giữ giấy tờ và xử phạt 150.000 đồng. Nếu người này vẫn điều khiển phương tiện giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, bị giữ lại ở trạm xử lý tiếp theo sẽ phạt tiếp với mức tăng lên 200.000 đồng. |