Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam và 90 năm ngày Truyền thống công nhân xi măng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam, ngày 10/1/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) là giai đoạn chuyển mình, thay đổi diện mạo, hình ảnh cả về quy mô, chất và lượng; đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của VICEM, sáp nhập các đơn vị có thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2019 - 2025; triển khai ứng dụng công nghiệp 4.0 trong quản lý chuỗi tiêu thụ…
Kết quả, Tổng công ty đã sản xuất và tiêu thụ 143 triệu tấn sản phẩm, bằng 115% so với mục tiêu; tổng doanh thu đạt 182.100 tỷ đồng, bằng 107% so với mục tiêu; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 13.700 tỷ đồng tăng 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; trong khi nhiều DNNN thua lỗ nặng thì VICEM nộp ngân sách 11.584 tỷ (bình quân 2.316 tỷ/năm), tăng 1,97 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Năng suất lao động bình quân tăng từ 7 - 10%/ năm; thu nhập bình quân của người lao động trên 13,2 triệu đồng/người/tháng. Năng suất của các công ty thành viên tăng ít nhất 10%, nhiều đơn vị 15 - 20%. Nhiều dây chuyền sản xuất của VICEM hoạt động vượt công suất 11 - 16%. Tính đến đầu năm 2020, vốn chủ sở hữu của VICEM là 21.480 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2015.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, VICEM còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội với đóng góp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 khoảng 265 tỷ đồng, gần 25.000 tấn xi măng và hỗ trợ trên 21,3 tỷ đồng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về xoá nghèo nhanh và bền vững cho các huyện nghèo; ủng hộ trên 12.500 tấn xi măng để góp phần tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, xây dựng nông thôn mới... Với những thành tích đạt được, VICEM và các đơn vị thành viên được Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Lăn lộn, gắn bó với ngành sản xuất xi măng hơn 20 năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh luôn trăn trở khi ngành Xi măng làm ra sản phẩm phục vụ xã hội nhưng phát thải ra môi trường khí CO2, bụi và một số loại khí độc khác…
Đặc biệt, với VICEM - một doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ 4 thế giớ, hàng loạt câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo doanh nghiệp này. Nguồn tài nguyên như than, đá vôi ngày càng cạn kiệt, vậy tương lai lấy gì làm nguyên liệu sản xuất thay thế? Và trong sự phát triển bùng nổ về khoa học công nghệ, nếu doanh nghiệp không tư duy đổi mới, sáng tạo, không tạo ra giá trị vượt trội trong thị trường cạnh tranh khốc liệt thì không duy trì được vị thế, thương hiệu, thậm chí là phá sản?
Với trọng trách của mình, Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh đưa ra chiến lược định hướng, chỉ đạo triển khai chương trình đổi mới sáng tạo, trọng tâm bước một là đổi mới sản xuất, kinh doanh; tái cấu trúc thương hiệu và nhân lực tới toàn VICEM và các nhà máy. Tiến tới bước 2 là mong ước thay đổi công nghệ xi măng thế giới với khát vọng sản xuất không phát thải - tuần hoàn tự nhiên.
“Trả về cho tự nhiên những gì đã lấy”
Hiện thực hóa chiến lược này, hàng loạt các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả cao như xử lý "nút thắt" dây chuyền công nghệ; thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp, bùn thải để thay thế một phần nguyên nhiên liệu trong sản xuất xi măng; sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo và bảo vệ môi trường. Các đơn vị đi đầu là VICEM Hoàng Thạch; VICEM Hà Tiên; VICEM Bút Sơn, VICEM Bỉm Sơn…
Lãnh đạo và các kỹ sư VICEM hoàn toàn làm chủ công nghệ, tìm tòi đánh giá dây chuyền sản xuất, tìm các thiết bị thay thế hay xử lý nút thắt một cách đột phá, vượt tiêu chuẩn của các nước tư bản trên thế giới. Nhiều thiết bị thay thế hay thiết bị xử lý nút thắt được VICEM đặt sản xuất trong nước, mở đầu cho khát vọng “nội địa hóa” thiết bị ngành xi măng.
Giai đoạn 2015 - 2020, VICEM quyết tâm tái cơ cấu gắn với cổ phần hóa DNNN bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước. Phát triển mô hình công ty mẹ - công ty con; trong đó công ty mẹ VICEM định hướng, phối hợp với các đơn vị thành viên, giao quyền cho các nhà máy tự chủ; đồng thời thoái vốn tại các công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Đặc biệt, VICEM đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp dựa trên kinh tế tuần hoàn. Nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo ngày càng khan hiếm, đã thôi thúc lãnh đạo VICEM tính toán tìm nguyên nhiên liệu thay thế, đồng thời trả về cho tự nhiên những gì đã lấy.
Hiện thực hóa khát vọng, ngày 09/02/2020, tại Hà Nội, VICEM cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành Xi măng "Zero emission - natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).
Dự án tập trung tối đa vào 5 mục tiêu. Một là không phát thải các loại khí thải ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên. Hai là giảm tối đa sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất bằng các nguyên liệu lấy từ chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội. Ba là thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày.
Bốn là tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng cùng với việc tìm những giải pháp công nghệ mới để phát điện vừa sử dụng trong sản xuất của nhà máy vừa có thể cung ứng thêm điện cho xã hội. Năm là ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực điện toán để thiết lập hệ điều hành thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh chia sẻ: VICEM quan niệm vấn đề sản xuất sạch, xanh, bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Đây là điều mà cá nhân ông cùng Đảng ủy, Ban lãnh đạo Tổng công ty trăn trở, đặt nhiều tâm huyết vì sự phát triển của VICEM cũng như của toàn xã hội.
“Chúng tôi đề ra mục tiêu phát triển Tổng công ty theo hướng phát triển xanh và bền vững, có tiềm lực kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ tiên tiến, mô hình quản trị hiện đại, có quy mô và khả năng cạnh tranh quốc tế”, ông Bùi Hồng Minh nói.
Thu Huyền