Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ý chí ngày càng cao, chủ trương ngày càng sáng rõ
Theo từ điển tiếng Việt, tham nhũng là "lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của”. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đều xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Luật Phòng, chống tham nhũng ở nước ta xác định rõ 13 hành vi tham nhũng. Nhìn chung, cách tiếp cận đó phù hợp với quan điểm khái niệm tham nhũng phổ biến nhất ở các quốc gia, tổ chức quốc tế là “việc lạm dụng quyền lực công để thu lợi cá nhân”.
Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc cách đây ít ngày, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một trong những đạo luật được Quốc hội thảo luận sôi nổi nhất với tinh thần sẽ được thông qua qua 3 kỳ họp, thu hút sự quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội. Trong các cuộc thảo luận không chỉ làm sáng rõ thêm những khía cạnh pháp lý mà còn thêm khẳng định quyết tâm chính trị, những chủ trương đúng đắn của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng.
Là người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sớm nhận rõ một trong những nguy cơ đối với đảng cầm quyền là căn bệnh tham ô, lãng phí. Người đã khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người coi tội tham ô, lãng phí cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám và "chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận". Song đây là cuộc chiến rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao vì "kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta".
Tinh thần ấy cũng từng được V.I. Lenin xác định khi xây dựng Nhà nước Xô Viết. V.I. Lenin sớm cảnh cáo: “Hiện tượng điển hình của nước Nga là nạn hối lộ”, “hiện giờ có ba kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào… kẻ thù thứ nhất-tính kiêu ngạo Cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai-nạn mù chữ; kẻ thù thứ ba-nạn hối lộ”. Người kiên quyết nêu quan điểm trong bức thư gửi trước sự vụ tòa án Moscow xử nhẹ một vụ ăn hối lộ rằng, “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”.
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức chú trọng việc phòng, chống tham nhũng với thông điệp mạnh mẽ. Tại khóa họp thứ hai của Quốc hội vào tháng 10-1946 với phiên chất vấn kéo dài tới nửa đêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Sau này, việc Người chỉ đạo xử lý vụ án Đại tá Trần Dụ Châu tham ô theo tinh thần “chặt cành để cứu cây” mà Báo Quân đội nhân dân đã nhiều lần nhắc đến đã thể hiện quan điểm nhất quán và kiên quyết trong đấu tranh với tham nhũng của Đảng, Nhà nước từ rất sớm. Thực hiện chỉ đạo của Người, Đảng ta đã tiến hành Cuộc vận động “Ba xây ba chống” là: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm; Tăng cường quản lý kinh tế tài chính, Cải tiến kỹ thuật, Chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (phát động vào những năm 60 của thế kỷ trước).
Đại hội VI (1986), đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh. Văn kiện Đại hội VI nêu rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên Nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”(1).Tiếp đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng: Nghị quyết số 04/NQ-TƯ ngày 12/9/1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VII về việc tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 14-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa VII (15/5/1996) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng...
Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng trong việc chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”.
Đại hội XI của Đảng đã yêu cầu phải: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước…”.
Đến Đại hội XII của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đặt ở vị trí cao hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu như ở Đại hội XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chỉ được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì Đại hội XII, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đề cập cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, đã nói lên quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng”. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu 10 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, bổ sung thêm hai nhiệm vụ mới so với Đại hội XI, trong đó có nhiệm vụ “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Biến chủ trương thành hành động, hướng đi quyết liệt
Năm 2012, với 94,98% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nổi bật là thay thế mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu bằng việc lập Ban chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau 4 năm ra đời, ban chỉ đạo hoạt động ngày càng hiệu quả với thực tiễn 3 năm gần đây, mỗi lần Ban chỉ đạo Trung ương họp, thông điệp kết luận đều được toàn Đảng, toàn dân quan tâm với những công bố mạnh mẽ về việc xử lý tham nhũng. Đặc biệt, việc ban chỉ đạo đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm tại hàng chục tỉnh, thành, bộ, ngành…đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sức mạnh kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có thể thấy từ Đại hội XII, công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động bước sang một giai đoạn mới, với những chủ trương, cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để. Nhiều tuyên bố của Đảng, thông qua người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, việc chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng vừa thể hiện quyết tâm chính trị cao, vừa thể hiện phương pháp khoa học, thực tiễn. Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa thành các đạo luật như một công cụ pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Từ Pháp lệnh chống tham nhũng, trở thành Luật Phòng, chống tham nhũng và sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2012, hiện nay đạo luật này tiếp tục được sửa đổi để nâng cao hiệu quả "thanh bảo kiếm" pháp luật. Cùng với đó, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung)... đã và đang được hoàn thiện đã hoàn chỉnh thêm hành lang pháp lý cho chống tham nhũng.
Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, việc đưa một loạt đại án, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; các vụ việc liên quan đến các cựu quan chức như ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa; vụ việc Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ; các vụ việc tiêu cực ở Thanh Hóa, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đều đã và đang được xử lý nghiêm túc cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chống tham nhũng không có giới hạn, không có vùng cấm. Thực tiễn đã khiến tư duy xã hội thay đổi khi trước đây có quan niệm quan chức nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn” thì nay ngay cả nhiều người nghỉ hưu có vi phạm cũng bị đưa ra truy tố, xét xử, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng.
Thông qua những thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu từ năm 2017 đến nay đã phần nào sáng rõ ý chí, chủ trương và cách làm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, sáng 12/10/2017, Tổng Bí thư nêu quan điểm: "Việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn", tức là tập trung nhiều hơn với những trường hợp tham nhũng là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, sáng 11/10/2017, Tổng Bí thư đề nghị mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”. Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, ngày 28/12/2017, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn". Tổng Bí thư cũng lưu ý, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng bước đầu đạt kết quả cụ thể, tích cực. "Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu". Tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018, Tổng Bí thư khẳng định: "Có ý kiến cho rằng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".
Vai trò người đứng đầu và sức mạnh lòng dân
Có thể nói, với tinh thần kiên quyết ấy, Đảng ta đã tạo ra được sự lan tỏa, đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân. Từ chủ trương, cách làm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng đã tạo ra được sức mạnh lòng dân với sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao. Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri giờ đây đã trở thành thông điệp, thành hình ảnh chung được toàn dân nhắc đến “đưa củi vào lò để thiêu đốt tham nhũng”: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Thực tiễn chứng minh sự khởi xướng của Đảng đã tạo nên những phong trào hành động cách mạng hiệu quả. Tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, vì nhân dân phục vụ, kiên quyết loại bỏ những kẽ hở cơ chế chính sách tạo đất cho tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, ngày càng được nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện. Việc Bộ Công Thương chủ động đi đầu cắt bỏ hàng trăm điều kiện, thủ tục kinh doanh rườm rà, phiền nhiễu cho người dân được đánh giá là một hành động “lấy đá ghè chân mình”, dũng cảm hy sinh quyền lợi cục bộ vì lợi ích chung. Từ sự tiên phong của Bộ Công Thương, hàng loạt bộ ngành khác cũng đã cắt giảm các điều kiện, thủ tục phiền hà cho dân như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm 241 điều kiện, thủ tục; Bộ Xây dựng cắt bỏ 49 điều kiện, thủ tục; Bộ Tài chính cắt giảm 193 điều kiện, thủ tục… Nhiều địa phương cũng đã có cách làm riêng để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn như ở Hà Giang, tỉnh ủy đề ra bộ tiêu chí nhận diện đánh giá cán bộ, công chức suy thoái, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Ở TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung vừa có chỉ thị quy định không đưa cán bộ bị kỷ luật về bộ phận tiếp công dân, lắp đặt đủ camera tại phòng tiếp dân để giám sát cán bộ… Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội cũng vừa có quyết định quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội, qua đó ngăn ngừa cán bộ công chức tiêu cực, nhũng nhiễu đối với dân. Nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị… cũng đã áp dụng mô hình người dân chấm điểm công chức…
Nhưng sức mạnh không chỉ ở chỗ làm mạnh, làm nhiều mà phải làm sao thật chính xác, hiệu quả. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: Chống tham nhũng “phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”. Lòng dân thì mong muốn chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp, nhưng người cầm trống lệnh phải hết sức thận trọng. Chống tham nhũng, tiêu cực cần phải đúng người đúng tội.
Chống tham nhũng muốn thành công, sau hồi trống lệnh của Tổng Bí thư, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, đúng như Bác Hồ từng căn dặn phải dựa vào dân: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.